Từ khi sinh ra cho đến giờ, Dương Khả Điềm chưa bao giờ nghĩ rằng mình bất hạnh.
Cho dù cha mẹ đều qua đời khi Khả Điềm mới lên ba, nhưng bù lại Khả Điềm có hai anh chị luôn hết lòng yêu thương và bảo vệ mình.
Đến năm lớp 8 chuyển nhà, ở trường mới bị bạn cùng lớp dè bỉu mình không cha mẹ, ngoại hình không ra nam không ra nữ, bị trêu chọc, phá cặp sách, quần áo thể dục… nhưng Khả Điềm cũng chưa bao giờ buồn. Được rồi, cô bé có buồn nhưng chưa bao giờ trách móc ai hay cảm thấy tủi thân, chị hai nói rồi, đám người đó chỉ là ghen tị với cô bé mà thôi, không cần phải bận tâm.
Sự bắt nạt đó diễn ra cũng chẳng được lâu vì cô chủ nhiệm của bé là một giáo viên tốt và luôn cực lực phản đối chuyện bắt nạt học đường, nhận được điện thoại từ anh cả của Khả Điềm là Dương Mục đã lập tức bắt tay vào giải quyết. Lại được thêm Dương Khả Nguyệt, nữ sinh viên năm 2 đại học không chịu được việc em gái cưng bị bắt nạt, đã hùng hổ chặn đường đám nhãi ranh cấp 2 đe dọa, mọi chuyện cũng được dàn xếp xong. Khả Điềm cứ thế bình an trải qua nốt hai năm cấp 2.
Lúc Khả Điềm thi vào 10 cũng là lúc Khả Nguyệt nhận được học bổng cao học ở Mỹ và Dương Mục nhận được thông báo được thăng chức làm phó giám đốc một chi nhánh ở Singapore, có ba tháng để thu xếp công việc đến nhận chức.
Mọi thứ xảy ra gần như cùng một lúc khiến không ai kịp trở tay.
Buổi tối trước ngày thi của Khả Điềm, hiếm hoi có một ngày Dương Mục không phải tăng ca hay gặp khách hàng, ba anh em cùng nhau làm đồ ăn tối, trò chuyện để Khả Điềm thả lỏng trước ngày thi.
Sau khi đuổi Khả Điềm đi tắm, Khả Nguyệt và Dương Mục ngồi nhìn nhau, cuối cùng, Khả Nguyệt lo lắng mở lời:
- Làm sao bây giờ anh? Hay em không đi nữa? Chứ để Điềm Điềm ở đây một mình em không yên tâm.
Dương Mục cau mày, gạt đi ý kiến của em gái:
- Không được. Khó khăn lắm em mới có được học bổng. Cứ đi đi, anh sẽ từ chối đợt thăng chức này.
- Không được! Cơ hội tốt như vậy bỏ đi uổng lắm. Em sẽ không đi nữa, học bổng cũng chỉ 50% thôi, nếu em đi làm thì lo được sinh hoạt phí chứ đâu lo được nửa phần tiền học còn lại.
- Anh lo được cho em.
Khả Nguyệt lập tức bĩu môi:
- Lo được cái đầu anh. Em còn không biết tình trạng kinh tế gia đình mình ra sao nữa à.
Dương Mục im lặng. Ba mẹ qua đời khi anh vừa hoàn thành năm nhất đại học. Ba anh, ông Dương Tuấn Khải làm quản lí tài chính cho một công ty lớn ở thành phố A, trong một lần đi công tác về, ông ghé qua một cửa tiệm đồ chơi định mua quà cho hai cô công chúa ở nhà, lúc trở ra thì gặp mấy tên nhóc choai choai tính cướp tiền. Lúc đó đêm đã khuya, cửa tiệm đồ chơi kia lại ở khuất trong ngõ nên không ai thấy được tình cảnh một người đàn ông trung niên bị một đám thanh thiếu niên dùng thanh sắt đánh đập, cả người ông co cụm lại, cố gắng trốn tránh những cú nện của lũ mất nhân tính, ôm chặt trong lòng món quà vừa mua. Đến lúc nhân viên cửa tiệm đồ chơi phát hiện chạy ra hô hào thì Dương Tuấn Khải gần như đã hấp hối.
Một tháng sau ông qua đời vì xuất huyết não. Lũ mất nhân tính kia bị tống vào trại cải tạo cho thanh thiếu niên.
Vợ ông, mẹ của ba anh em, bà Lâm Miên từ khi còn trẻ đã ốm yếu, sau khi sinh đứa con thứ ba thì sức khỏe càng tụt dốc, việc người đầu ấp tay gối với mình suốt hai mươi ba năm qua đời là một cú chí mạng đối với bà. Vì các con, bà gắng gượng được thêm gần nửa năm rồi cũng ra đi.
Ba đứa trẻ, chỉ trong bảy tháng ngắn ngủi đã đeo trên đầu hai chiếc khăn tang. Dương Mục luôn cúi người cảm ơn những người đã đến viếng linh cữu ba và mẹ đến mất cảm giác, anh tưởng rằng mình sẽ vĩnh viễn không thể đứng thẳng được nữa. Dương Khả Nguyệt mười tuổi, có chút phổng phao hơn bạn bè cùng trang lứa, ôm đứa em gái ba tuổi bé như con tôm với cái đầu lởm chởm vài búi tóc, nức nở không ngừng. Đứa em ba tuổi nào hiểu được sinh ly tử biệt, chỉ biết đòi ba mẹ, con bé thấy anh chị khóc cũng ré lên khóc theo.
Quãng thời gian đó thật sự là một cơn ác mộng đối với cả ba anh em.
Dương Mục vừa hết năm học đã tối ngày đi làm thêm để kiếm tiền học phí, tiền sinh hoạt cho năm hai. Tiền tiết kiệm ba mẹ có kha khá, nhưng là còn phải lo cho hai đứa em, hai đứa trẻ giống như một cái hố không đáy, tiền đổ vào bao nhiêu cũng không đủ. Ba tháng hè mà anh sụt mất 15kg, người trông như bộ xương khô mét bảy.
Dương Khả Nguyệt cũng không khá hơn. Cô phải nghỉ lớp học múa để cắt bớt chi phí, cũng không tham gia trại hè như các bạn, ở nhà chăm em. Từ lúc Khả Điềm mới sinh cô đã giúp mẹ chăm em, nhưng là một đứa trẻ, sự giúp đỡ vẫn có hạn, đa phần vẫn là mẹ làm. Giờ mẹ mất, cô phải thay mẹ làm tất cả, anh cả đã bận rộn đi làm kiếm tiền rồi, cô không thể làm phiền anh. Nhưng một đứa trẻ mười tuổi thì gánh vác được bao nhiêu? Nên Dương Mục thường về nhà trong cảnh nhà cửa bừa bộn, tiếng nức nở khàn khàn của đứa nhỏ và nước mắt còn chưa khô trên mặt đứa lớn.
Dương Mục đã tính nghỉ học đi làm công nhân nuôi hai em nhưng bị dì bên mẹ ngăn cản. Ba là con một, ông bà nội cũng vậy nên bên ba không có họ hàng, nhưng mẹ còn một người em gái kém bà 4 tuổi. Dì lấy chồng ở tận thành phố X, cách 18 tiếng đi tàu, chồng dì lại là một người rất gia trưởng nên gần hai mươi năm lấy chồng dì chỉ về thăm bên ngoại được ba lần. Lần một là đám tang mẹ, lần hai là đám tang ba, lần ba là đám tang chị gái. Dương Mục cảm giác như mỗi lần gặp dì lại già thêm cả chục tuổi. Người đàn bà không con mới chỉ đầu bốn nhưng đầu đã bạc như ngoài sáu mươi.
Bất chấp sự ngăn cản từ bên nhà chồng, dì của Dương Mục kiên trì gửi tiền sinh hoạt hàng tháng đến cho ba đứa, thậm chí dì còn trả tiền học năm thứ ba cho Dương Mục.
- Mấy đứa là người thân duy nhất còn lại của dì. Dù có mất mạng dì cũng phải lo cho mấy đứa thành người.
Dương Mục vẫn nhớ lời của bà, khuôn mặt đã có nhiều vết chân chim ấy ánh lên sự quyết tâm sắt đá.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Dương Mục thu xếp công chuyện dắt hai em lên tàu đi thăm dì. Anh vốn định đi sớm hơn, nhưng chưa mãn tang ba năm nên không đi được.
Nhà của là một căn biệt thự to và đẹp lắm, dì ở đó ăn mặc nhếch nhách như một người làm thuê, nghe chồng ôm bồ mới sai bảo. Dương Mục không thể tin nổi vào mắt mình, lòng anh như thắt lại thấy người ân nhân anh tôn thờ bị đối xử không khác gì rác rưởi bởi chính người chồng hai mươi mấy năm.
- Đi, dì ơi đi! Cháu tốt nghiệp rồi. Cháu sẽ chăm sóc dì. Mình không việc gì phải ở đây chịu khổ như thế này cả.
- Mày giỏi thì mày đi đi. Đi xem có chết đói không. Ăn bám mà còn to mồm hả? Mũi còn vắt chưa sạch đã đòi to còi với ai hả thằng nhãi? Ba mẹ mày chết nên không có ai dạy bảo mày cách ăn nói phải không? – Người chú béo phị không ngừng nhục mạ mấy dì cháu.
- Ông à đừng nóng. Cháu nó nhỡ mồm thôi. Tiểu Mục, mau xin lỗi chú đi.
Dương Mục đời nào chịu xin lỗi, nếu không phải vì có hai em gái ở đây thì anh đã sớm sắn tay áo lao vào tẩn lão rồi. Hai người đôi co lời qua tiếng lại, lão béo tức đến nỗi đi ra sau nhà dẫn mấy con chó săn ra. Dì Dương Mục thấy vậy vội vàng đẩy ba anh em ra cổng rồi lao vào ngăn lão.
- Ông à, cháu nó trẻ người non dạ, ông tha cho nó đi. Tiểu Mục, đi mau, dì không sao đâu, đi mau!
- Dì à, cháu…
- Đi mau!
Từ đầu đến cuối cô bồ nhí ngồi trong nhà chứng kiến hết, chẳng làm gì ngoài khúc khích cười như xem hài kịch.
Hai đứa nhỏ thấy mấy con chó săn gầm ghè chực lao đến thì sợ quá, đứa bé bám chặt vào đứa lớn mếu máo, đứa lớn thì không ngừng giật góc áo anh cả kêu loạn lên.
- Anh ơi, anh! Chó! Chó!
Trong tình cảnh này, Dương Mục không còn cách nào khác ngoài bế đứa bé lên dắt đứa lớn bỏ đi. Trước khi đi còn không quên nói với vào dặn.
- Dì ơi dì nhớ gọi cho cháu! Cháu kiếm được việc rồi, dì không cần gửi tiền nữa đâu!
Khả Điềm được anh trai bế lên, đôi mắt non nớt hoảng sợ nhìn ba con chó săn to gấp ba mình đang nhe răng gầm gừ, tay bấu chặt lấy cổ anh.
- Anh ơi. Mình về ạ? – Khả Điềm, lúc này đã 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, thỏ thẻ hỏi anh. – Sao chú lại dắt chó ra vậy?
- Do chú ghét tụi mình đó. – Khả Nguyệt lập tức đáp lời em.
- Tiểu Nguyệt! – Dương Mục lập tức gắt em. – Không được nói lung tung!
- Em không nói lung tung! Chú còn chửi anh nữa! Chú còn định đánh dì nữa! Còn định thả chó ra cắn mình nữa!
- Chú định thả chó cắn mình ạ? Chú ghét mình sao anh? – Khả Điềm mếu máo, từ nhỏ đến lớn bé chưa từng gặp ai mà ghét bé cả, ai cũng đều nói bé rất ngoan, rất thích bé.
- Không phải đâu. Chị Tiểu Nguyệt trêu em đấy. – Dương Mục vội dỗ dành em.
- Vậy chú ghét mình ạ? – Tiểu Điềm Điềm vẫn không buông tha.
Dương Mục không muốn nói dối em, nhưng cũng không muốn đứa em chỉ to hơn cánh tay mình một chút đã biết thế nào là sự căm ghét. Anh đành lựa lời mà nói.
- Không. Chỉ là, chú không thích mình thôi.
Cái đầu non nớt của Khả Điềm vẫn chưa hiểu được sự giống nhau của ghét và không thích. Sau này hiểu được thì cái kí ức ngày hôm đó đã sớm trôi tuột vào miền quên lãng rồi.
- Anh ơi, hoa quả làm sao đây? – Hai tay Khả Nguyệt đỏ lằn vết quai túi bóng, cô vẫn còn xách túi hoa quả nặng trĩu mà anh cả mua làm quà cho gia đình dì.
Dương Mục nhìn em gái, mãi mới nói:
- Cầm lên xe ăn đi.
Khả Nguyệt gật đầu, không hỏi thêm nữa, tiếp tục xách túi quả. Ba anh em cứ thế đi ra bến tàu, không ai nói câu nào, kể cả Khả Điềm bình thường hoạt bát cũng không hó hé. Có thể là do đầu con bé còn đang bận xử lí những điều vừa nghe, cũng có thể là do quá mệt vì đi đường xa. Lúc lên tàu, hai đứa nhỏ dựa vào nhau gà gật suốt chặng đường. Chỉ còn Dương Mục vẫn thao thức, vì những lời ông chú nói, vì gương mặt khắc khổ của dì, vì hai đứa nhỏ, vì tương lai sau này… Ngày hôm đó, là ngày mà cả đời này anh cũng không quên được.
Sau đó dì cũng không gọi cho anh một cuộc nào, chỉ có một cái điện chuyển tiền sinh hoạt như mọi tháng cho anh biết dì vẫn bình an. Nhưng hai tháng sau đến điện chuyển tiền cũng bặt vô âm tín. Khoảng một năm sau đó anh có một mình đi đến nhà dì thì nghe hàng xóm nói rằng sau bao năm không con cái, cuối cùng dì cũng sinh được một cậu quý tử cho nhà chồng, mẹ quý nhờ con, giờ đang sống rất hạnh phúc. Dương Mục nghe vậy cũng an lòng, nhờ người hàng xóm đó chuyển đồ giúp, một bức thư cảm ơn và một tài khoản ngân hàng, trong đó là tiền anh tích cóp được trong một năm qua, với hai tháng tiền dì gửi, mang trả cho dì. Nó chỉ bằng một phần tiền dì đã cho anh em anh, nhưng đó là tất cả những gì anh có hiện giờ.
Ba năm sau đó, mỗi tháng anh đều gửi tiền vào tài khoản kia, cho đến lúc anh nhận được thông báo tài khoản đã bị khóa không thể gửi tiền.
Từ đó đến nay cũng đã được sáu năm, anh cũng tích cóp được không ít, bao gồm cả tiền đền bù đất ở nhà cũ của ba mẹ để chuyển qua đây, nếu sắp tới chịu thắt lưng buộc bụng một chút thì tiền đóng học cho Khả Nguyệt và Khả Điềm là không thành vấn đề. Chỉ mong không có chi phí phát sinh.
- Anh bảo lo được là lo được. Em cứ học đi. Anh cũng sẽ không để Điềm Điềm ở đây một mình, anh sẽ từ chối lần thăng chức này, vẫn còn nhiều cơ hội khác mà. Ít nhất để Điềm Điềm vào đại học rồi đi cũng không muộn.
- Muộn với chả sớm. Anh nghĩ lúc đó còn cơ hội cho anh à? Ba mấy rồi chứ trẻ trung gì nữa đâu! Ba năm nữa thì sao? Có khi lấy vợ còn không nổi chứ đừng nói là thăng chức.
Dương Mục nhướng mày, ừ thì anh cũng ba mươi mốt rồi, nhưng đâu đến mức già như Tiểu Nguyệt nói. Với hai chuyện này có liên quan đến nhau sao? Chuyện lấy vợ, tính sau đi, anh còn phải lo cho hai đứa em đã. Cùng lắm thì ở giá với hai cô công chúa cũng được.
- Anh lại nghĩ chuyện ở giá đấy à? Ai thèm ở giá với anh? – Khả Nguyệt lập tức đọc được ông anh quý báu của mình đang nghĩ gì.
Dương Mục bất đắc dĩ nhìn em gái. Càng lớn càng mồm mép. Coi chừng không ai lấy em.
- Anh mới là cái loại chó cũng không thèm! – Khả Nguyệt lập tức nhảy dựng lên, cô ít nhiều cũng là hoa khôi của trường đó biết không? Dám coi thường nhau hả?
Con gái mà ăn nói vậy hả? Ai dạy em? Dương Mục nghĩ vậy nhưng quyết định nhắm mắt không tranh cãi nữa. Có một đứa em gái hiểu mình quá đôi lúc cũng thật phiền. Vì không cãi lại được nó!
- Cả hai cứ đi đi. Em ở một mình được mà. – Khả Điềm bỗng nhiên xuất hiện, trên tay vẫn còn ôm quần áo.
Hóa ra là lúc hai anh em tưởng Khả Điềm đi tắm, thì cô bé vẫn còn đang bận chat với chiến hữu trên mạng, lề mề mãi mới cầm quần áo xuống lầu tắm thì nghe được cuộc đối thoại của anh chị.
- Sao còn chưa đi tắm đi? Biết mấy giờ rồi không? – Dương Mục và Khả Nguyệt đồng thanh nói.
Khả Điềm cố gắng nhắc lại:
- Em bảo là…
- Đi tắm đi còn đi ngủ! Mai còn dậy sớm đi thi! – Hai anh em lại đồng thanh nạt cô em út.
Khả Điềm mếu máo, đành phải đi tắm.
Khả Nguyệt hai tay chống hông nhìn cô em gái một mét năm đang loẹt quẹt dép đi vào phòng tắm, cái mặt xinh đẹp nhăn thành một đống, viết rõ mấy chữ “Không lúc nào hết lo được”.
- Thôi em cũng chuẩn bị tắm rửa đi. Chuyện này đợi Điềm Điềm thi xong rồi nói.
- Anh lại…
Dương Mục lập tức cắt lời em gái.
- Anh đi xem Điềm Điềm đã chuẩn bị đầy đủ đồ chưa đây. – Lời chưa dứt người đã không thấy bóng đâu.
Chỉ còn mình Dương Khả Nguyệt ở phòng khách tiếp tục suy nghĩ.
Nói thật thì cô muốn đi lắm chứ, nhưng đi rồi thì anh cả và Điềm Điềm phải làm sao đây?
Anh cả còn đỡ nhưng Điềm Điềm vào cấp 3, là cái thời điểm nhạy cảm đủ thứ chuyện có thể xảy ra, con bé lại đáng yêu như thế, kiểu gì cũng sẽ bị bạn bè trêu chọc hoặc dụ dỗ, sẽ cần một người phụ nữ trưởng thành ở bên cạnh để chia sẻ, dẫn dắt. Anh cả là tên đầu đất, chắc chắn không hiểu được tâm tư con gái rồi, nếu không cũng không đến mức ba mốt còn chưa có một mảnh tình vắt vai!
Khả Nguyệt lại nhớ lại hồi cuối năm lớp 11, có bạn trai lần đầu tiên, vui sướng bao nhiêu, về hỏi ý kiến anh trai lần đầu tiên đi hẹn hò nên mặc gì. Ai ngờ ông anh đầu đất thấy em gái lớp 11 có bạn trai, lập tức nhảy dựng lên truy hỏi rồi còn gọi điện cho nhà bạn nam kia, yêu cầu gia đình bên đó quản lí con chặt chẽ! Lần đó Khả Nguyệt đúng phát điên lên đi được, tại sao cô lại có một ông anh ngu ngốc đến thế chứ! Cô thậm chí còn không thèm nói chuyện với anh cả suốt một tuần! Nếu không phải vì Điềm Điềm khóc lóc thì còn lâu cô mới chịu tha thứ cho lão ế chết tiệt đấy.
Càng nghĩ lại càng thấy tức. Mà càng tức thì càng lo. Cô đi rồi hai anh em nhà này biết làm sao? Chưa kể ông anh cô cũng đi cơ mà! Sao có thể để Điềm Điềm ở lại một mình được!
Giá mà mẹ ở đây…
Khả Nguyệt nhăn mặt. Đã lâu lắm rồi cô mới lại có suy nghĩ đó.
Thôi, nghe anh cả vậy, chuyện này đợi Điềm Điềm thi xong rồi tính.