Chia tay làng quê nhỏ bé, chia tay mẹ của Công và dì 8, Minh trở về Sài Gòn với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp. Chỉ mới vài tháng mà cứ như dài cả đời người. Cô gái Nam Minh hồn nhiên ngày trước giờ đã trở nên mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn. Sách vở không thể làm con người ta trưởng thành nhanh bằng sự va chạm vào thực tế. Chính câu chuyện của anh Công đã khiến Minh hiểu rằng cuộc đời này không có gì là công bằng, muốn sống thì phải chịu đựng được sự bất công. Cuộc đời này vốn cũng không có gì rạch ròi giữa đen và trắng, xám mới là màu khiến ta phải trưởng thành. Và cuộc đời này đừng cố gắng lúc nào cũng làm theo những luật lệ, đôi khi hãy lắng nghe con tim mình!
Năm năm sau, cái tên nhà biên kịch Nam Minh đã được hào quang chiếu sáng. Cô trở thành một trong những biên kịch ăn khách nhất hiện tại và được vinh dự mời đi tham gia các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Thành công thật sự đã đến với những con người không ngừng cố gắng… dù sự cố gắng đó là âm thầm…là đôi khi chính chủ của nó nghĩ rằng là vô ích… nhưng bằng cách này hay cách khác…có cố gắng thì chắc chắn sẽ có thành công. Cuộc đời này là vậy!
Sau bao ngày mệt nhọc vì công việc Minh chọn một ngày hè để trở về chốn quê cũ. Giờ đây mọi thứ có vẻ khác đi nhiều do tốc độ của việc đô thị hóa. Nhưng sự yên bình, thoáng đãng và những câu nói triết lý của dì 8 vẫn in hằng trong trí óc Minh. Tìm đến bệnh viện nơi Công bị giam, Minh đã gặp mẹ của Công. Mới năm năm thôi mà tóc bà đã bạc trắng. Bà xách cải giỏ nhựa có đựng ít quần áo và cái cà mên. Nhận ra bà nên Minh gọi với theo…
- Bác hai… bác hai…
Nghe gọi tên mình nên bà ngoái lại nhìn. Minh chạy đến gần.
- Bác hai là con nè. Nam Minh nè, bác hai có nhớ con không? Bà nhìn một lượt từ đầu tới chân một hồi mới nhớ ra.
- À con bé Minh nhà văn đó hả?!
- Dạ là con đây! May quá bác còn nhớ con.
- Nhớ chứ sao không nhớ! Ủa mà bây vô đây làm gì? Thăm thằng Công hả?
- Dạ… con ghé thăm anh Công và bác. Hồi nãy con có ghé nhà mà không thấy ai nên coi mới vào đây.
- Ờ bác ở trong đây miết à, ít có ở nhà lắm! Dạo này con có khỏe không? Càng ngày càng đẹp gái ra à nghen!
- Dạ con khỏe ạ! Còn bác với anh Công thì sao ạ?
- A! Khỏe re à con, chỉ có trái gió trở trời nên mới đau nhức xíu thôi! Tuổi già mà chạy đi đâu với ông trời! Còn thằng Công thì ăn ngủ được nên nó cũng có da có thịt. – Nhìn mặt mũi, dáng người mẹ của Công có vẻ sáng ra hẳn.
- Vậy hả bác? Anh Công ảnh khỏe chưa bác?
- Nó vẫn vậy thôi à! Thôi vô…vô với bác nè.
Rồi bà nắm tay Minh dẫn vào trong khuôn viên của bệnh viện nơi có các bệnh nhân đang chơi đùa dưới sự giám sát của y tá và công an. Bà đưa mắt nhìn dáo dác rồi chỉ tay về phía gốc cây bàng cuối sân.
- Kìa! Thằng Công kìa Minh!
Minh cũng nhìn theo ngón tay của mẹ Công.
- A! Con thấy rồi! Ảnh đang ngồi đó kìa…ủa ảnh đang làm gì vậy bác?
- Làm lồng đèn đó. Nó là chủ tiệm lồng đèn trong đây nè!
Vừa nói bà vừa bật cười làm Minh cũng bật cười theo. Rồi hai người đi về phía Công.
- Công, hôm nay có bé Minh đến thăm con nè!
Công ngước lên nhìn Minh. Trong vài giây đầu ánh mắt Công rất mừng… rất vui… rất cảm động. Nhưng sau đó anh liền đứng dậy giật lấy cái giỏ của mẹ và nhảy tươm tướp. Minh nhìn theo anh và cố hỏi.
- Ảnh vẫn chưa nói chuyện sao bác?
Bà trả lời một cách thong dong.
- Ừ… quan trọng nó vui là được rồi! Bây giờ chẳng phải tốt đẹp hơn sao!? Bác chẳng mong gì hơn.
Minh gật gù và cảm thông cho nỗi lòng của mẹ Công. Và Minh hiểu rằng, lúc này và mãi về sau chúng ta sẽ không nói đến những chuyện cũ nữa.
Ngày hôm đó, Minh đã tâm sự với mẹ Công rất nhiều chuyện. Minh kể cho bà nghe về công việc của mình, về cuộc sống của mình thay đổi ra sao kể từ ngày đó. Bác hai cũng kể cho Minh nghe chuyện thầy Lý đã đến nhà xin lỗi. Thầy ấy đã khóc và ân hận rất nhiều, và bà còn làm gì khác ngoài việc thứ lỗi. Về chuyện có một nhà hảo tâm giấu mặt đã chu cấp tiền hàng tháng cho mẹ con bà. Họ nói chuyện luyên thuyên với nhau hàng giờ đồng hồ. Bác hai hiền dịu lắng nghe từng lời Minh kể, lâu lâu bà còn pha vào vài câu nói hài hước làm cả hai như gắn bó hơn, thân thương hơn.
Trước lúc chia tay, Minh có hứa sẽ thường xuyên về thăm hai người và mỗi lần về sẽ mang cho anh Công những chiếc lồng đèn thật đẹp. Minh lên xe và vẫy tay chào tạm biệt bác hai. Bác hai cũng vẫy tay chào tạm biệt Minh như lời chào cho đứa con gái đi xa. Minh cố phóng tầm mắt và nhìn một lần nữa vào khuôn viên. Chính lúc này, Minh đã thấy Công đứng dậy nhìn về phía Minh và vẫy tay chào Minh. Công còn gật đầu cười rất tươi nữa. Dường như anh đang muốn gửi lời cảm ơn đến Minh làm lòng cô bỗng chốc… nhẹ nhõm…và ấm áp… lạ thường!
Minh yên lòng ngồi ở ghế sau xe hơi, cô nhìn qua cửa kính ngắm toàn cảnh làng quê. Cô nhìn lên bầu trời và chợt nghĩ về mọi người, về thầy Lý, về Tâm, về Nhan, về bé Linh và về Diễm.
“Thưa thầy! Cái ngày mà thầy dũng cảm đứng lên thú tội trước dư luận về hành vi sai trái của mình cũng chính là lúc em được nhìn thấy “người thầy” mà em hằng ngưỡng mộ trở về. Dù mọi người có nói gì đi chăng nữa thì trong lòng em thầy vẫn mãi là một con người cho những sự thật. Tuy thầy đã từ giã nghề báo nhưng em biết bây giờ thầy mới được an yên ở chốn quê nhà cùng vợ và con… bên mảnh vườn xanh… bên ao cá vàng…
Còn Tâm, kể từ ngày đó thì anh ta đã không còn màng chuyện thế thái nhân tình nữa. Anh ấy ăn chay trường và thường xuyên cùng vợ và hai thằng nhóc sinh đôi vào chùa làm công quả. Có lẽ tiếng chuông chùa, lời rao giảng về luân thường đạo lý của các vị sư thầy sẽ dần xoa dịu đi một tâm hồn tội lỗi…
Chị Nhan, bé Linh, hai người ở trên thiên đường có đang hạnh phúc không? Anh Công rất yêu thương hai người và lúc nào lòng anh cũng nghĩ về vợ và con. Ảnh đã vì chị và con gái làm những chuyện mà có lẽ cả đời ảnh chưa bao giờ dám nghĩ tới… và cho đến tận bây giờ ảnh mới được giải thoát. Em mong rằng ở nơi xa đó chị và bé Linh sẽ luôn phù hộ cho sức khỏe của bác hai để bác ấy có thể chăm sóc anh Công hết quãng đời còn lại. Và chị ạ! Đời người con gái chỉ cần một người đàn ông yêu mình thật lòng. Và anh Công đã yêu chị hơn chính bản thân anh ấy… Yên nghỉ nhé chị!
Diễm – Chắc có lẽ bây giờ Diễm đang rất hạnh phúc ở thế giới của mình có đúng không? Minh luôn mong là vậy! Minh sẽ không bao giờ quên đi được ánh mắt của Diễm, nó sâu hun hút. Minh nợ Diễm một lời xin lỗi, một niềm tin và một ân tình. Nếu có kiếp sau, dù chúng ta có là ai? Là người như thế nào? Thì Diễm cứ đứng đó, Minh nhất định sẽ đi… tìm.”
Và ông trời, công lý ở đâu? Có người cho rằng công lý chỉ thuộc về những người giàu có? Có người cho rằng công lý rất dễ dàng đem ra mua bán? Công lý chỉ đến sau khi mọi việc đã đành? Công lý đã chôn vùi cùng Diễm, chị Nhan và bé Linh? Tôi không biết, nhưng tôi tin rằng “Chỉ cần còn có lòng nhân ái, thì công lý sẽ luôn hiện hữu”.
Bộ phim được hoành thành nhưng nó không còn là “Cuộc sống của người đồng tính ở làng quê” mà là “Cuộc đời của anh Công”.