Chương 1: Bí mật đỉnh Phong Điềm (thượng).
Trên con đường lát gạch dẫn từ đại điện ra ngoài Cửu Ốc thành. Dọc hai bên đường cỏ cây xanh biếc, những bụi cỏ luôn có người cắt tỉa thành hình khối vuông trông rất hiện đại, gọn gàng.
Người nam nhân một thân áo dài, đầu đội khăn vấn, chắp hai tay sau lưng chậm rãi vừa đi vừa ngắm phong cảnh, thỉnh thoảng sẽ bắt gặp một vài nhóm đệ tử đang đi tuần hoặc đang hướng dẫn đám tiểu hài nhi tu luyện.
“Bái kiến chưởng môn sư bá.”
Nhóm đệ tử nhìn thấy người thanh niên lập tức vòng tay cúi đầu hành lễ. Y hơi gật đầu đáp lại.
“Không cần đa lễ, các ngươi cứ tiếp tục làm việc của mình đi.”
Nói xong y lại tiếp tục bước trên con đường dẫn đến cấm địa của Cửu Ốc thành: Phong Điềm Đỉnh.
Cửu Ốc thành có chín vòng hình xoắn ốc, nội thành nằm trên ngọn đồi cao ráo, nằm ở nơi giao lưu quan trọng giữa đường thủy và đường bộ. Năm xưa hiền cao sư tổ Vương thị đến đất Phong Châu, được người dân nơi đây cứu mới vớt được một cái mạng về.
Nhận thấy vùng đồi núi nơi đây hội tụ linh khí đất trời, lưng dựa núi, mặt đối sông, phong thủy tốt, nhưng lại có nhiều yêu thú hay đến quấy phá dân lành. Hiền cao sư tổ quyết định ở lại bảo hộ trả ơn bách tính nơi đây, dưới sự giúp đỡ của dân Phong Châu mà lập nên Tư Long phái đến ngày nay.
Xây chín thành xoắn ốc, người dân gọi là Cửu Ốc thành, bao bọc sông núi nơi đây, bảo hộ an toàn cho hàng ngàn bách tính vô tội khỏi ma tu, yêu thú, yêu ma quỷ quái.
Chưởng môn Tư Long đời thứ thập cửu – Vương Linh Phong, sau khi đi dạo đến Tam thành thì ngự kiếm bay về hướng Bắc Cửu thành. Nơi đây đa số là rừng núi dân cư thưa thớt, không sầm uất như ở phía Nam thành, nơi đó nối với các nhánh sông thuận tiện giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Vương Linh Phong ngự kiếm đến gần một ngọn núi cao thì từ từ đáp xuống. Y thu kiếm lại, trước mắt là một con đường đất. Trời đã vào thu, lá cây rừng cũng đã bắt đầu ngả vàng lẫn lộn vào cùng với màu lá đỏ rực của hàng cây phong.
Dọc theo đó ở hai bên vệ đường, có những cột đèn đá đứng thẳng hàng với nhau, dẫn đến những bậc thang đá đi lên núi. Phía trước con đường dẫn lên núi là cánh cổng trời Torii* màu đỏ, ở trên có treo một bảng chữ “Phong Điềm Đỉnh”.
*Cổng trời Torii: là biểu tượng truyền thống của Nhật Bản, thường được tìm thấy ở những lối vào của các đền thờ Thần Đạo. (Ở đây thụ và em thụ xuyên không, thụ là fan của truyền thống Nhật Bản.)
Phong Điềm Đỉnh cấm ngự kiếm, để bày tỏ lòng thành kính đối với người đã khuất, đều phải chậm rãi leo từng bậc lên. Vương Linh Phong buồn chán cúi đầu nhẩm đếm từng bậc: ‘Một trăm hai mươi ba’, ‘Một trăm hai mươi tư’,... ‘Một ngàn năm trăm bốn mươi chín’,...
Đến bậc thang thứ ba ngàn bảy trăm bảy mươi chín, ngước lên đã có thể thấy một cái cổng Torii khác. Có hai thiếu niên mặc trang phục đen tuyền đang đứng canh gác trước cổng.
“Tham kiến chưởng môn sư thúc.”
Hai thiếu niên lập tức cúi đầu vòng tay thi lễ.
“Ừm...”. Vương Linh Phong bước đến nhẹ gật đầu. “...Hôm nay sao ở đây im ắng vậy? Đám tiểu hài tử kia đâu?”
“Dạ, dạ thưa... Chưởng môn sư thúc... là, là...” Hai tên đệ tử liếc nhau ngắt ngứ mãi chưa xong.
“Làm sao?” Vương Linh Phong nhíu mày thiếu kiên nhẫn quát lên, “Nói chuyện cho tử tế! Sư tôn các ngươi dạy đệ tử ăn nói lắp bắp thế hả? Ta đi báo lại cho hắn để hắn dạy dỗ lại các ngươi!"
“Thưa chưởng môn, sư tôn... hôm nay đột nhiên có hứng, lên lớp dạy một buổi Tĩnh Tâm thuật...”. Tên đệ tử bên cạnh lập tức chỉnh lại giọng điệu trả lời.
“???” Vương Linh Phong nhướng nhẹ một bên mày kiếm, trong lòng thầm nói không đúng. “Ta đi xem thử. Các ngươi cứ canh gác tiếp đi.” nói rồi phất tay đi thẳng vào trong.
Trên Phong Điềm có một cửa động rất lớn, được đặt rất nhiều trận pháp ngăn người ngoài đi vào. Chỉ cần chạm nhẹ vào dù có là thần tiên cũng bị thương nặng chứ đừng nói đến người thường.
Vương Linh Phong lướt đến trước cửa động. Phía trước có treo những chiếc chuông nhỏ bằng đồng, mỗi chiếc nối với những chiếc dây nhỏ bện lại thành sợi dây lớn. Y đứng đó giật giật dây chuông tạo thành những tiếng “leng keng, leng keng” rồi từ từ tiến vào.
Bước ra khỏi mật động tối tăm, đập vào mắt là cây cầu gỗ màu đỏ son bắc qua dòng suối. Nối sang bờ bên kia, cầu có tên là Nại Hà. Bên cạnh cầu Nại Hà là một khối đá lớn tên là đá Tam Sinh Thạch.
Từ đầu cầu có thể nhìn thấy phong cảnh phía bên kia, bên trong là một tòa Lương* điện, dùng cơ xảo, đưa nước thác gần đấy lên nóc nhà, rồi theo mái hiên trượt xuống để hạ nhiệt độ.
*mát mẻ
Khoảng đất của viện rất rộng rãi, bãi cỏ xanh rì, có một biệt viện được dựng bằng gỗ ở giữa. Từ đây đã có thể thấy cây mai rất to ở trong viện, lá đã ngả vàng.
Vương Linh Phong bước xuống cầu dẫm lên con đường đá, dáng vẻ lười biếng đi đến trước cổng biệt viện. Phía trên cổng có bảng gỗ ghi ba chữ “An Dương viện”, nét bút uyển chuyển, phóng khoáng, tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho người nhìn.
Cổng viện mở to, có thể thấy rất rõ ràng cảnh tượng bên trong. Phía trên con đường đá dẫn vào cửa chính của viện là giàn gỗ, bên trên là cây lan ngũ sắc, những chiếc lá xanh vàng đan xen nhau, hai bên giàn gỗ treo những chậu cây bằng xứ, có một vài chậu vẫn còn những đóa hoa lan hồng, trắng, tím đan xen nhau. Ở góc sân là cây mai ban nãy, trên cành cây có hai sợi dây thất sắc nối với chiếc võng mây*, bên trên phủ một lớp lông mềm mại, hai bên có những chiếc gối vuông vắn đáng yêu.
*Võng mây: các bạn có thể lên gg search tìm giúp mình nha
Trong sân có một cái ao cá nhỏ, xung quanh xếp những viên đá cuội to cùng một vài khóm hoa. Cạnh đó một thân bạch y đang nhắm mắt, nằm thư giãn trên chiếc ghế lười, đung đưa qua lại.
Trên bụng vẫn còn đặt một khúc gỗ nhỏ đang gọt dở và một con dao nhọn, xung quanh là những mảnh vụn gỗ nhỏ rơi đầy đất. Hai nữ hạ nhân đang đứng ở phía xa, chỉ chờ người này mở miệng phân phó.
“Haiii, cuối cùng cũng đến rồi?”