CHIẾC CÚC ÁO THẦN KỲ HỒI SINH GIÁ TRỊ CỔ PHỤC VIỆT
Nhà làm phim "Phượng Khấu" đã có nỗ lực đáng ghi nhận trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị của cổ phục nước nhà.
Dự án "Phượng Khấu" ra mắt vào năm 2020 và đã kết thúc phần 1 với nhiều ồn ào không đáng có và những luồng ý kiến tranh cãi xoay quanh nội dung phim. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng về mặt phục trang, ê-kíp "Phượng Khấu" đã làm rất tốt trong việc tôn vinh những bộ cổ phục Việt. Chính nhờ những nỗ lực này mà "Phượng khấu" đã cho thấy một văn hoá ăn mặc vô cùng phong phú và đa dạng của nước ta. Từ đây, có lẽ phim cũng đã nhen nhóm được không ít lòng tự hào của khán giả.
Tính đến thời điểm này, ngoài tác phẩm kinh điển - “Ngọn nến hoàng cung” thì đến nay, “Phượng Khấu” là bộ phim Việt thứ 2 phản ánh sinh động phong tục - văn hoá nội đình nhà Nguyễn, tạo ra ảnh hưởng lớn đến tinh thần hồi cố với văn hoá nhà Nguyễn trong giới trẻ. Phong trào sử dụng Việt phục Nguyễn triều trở thành phong trào lớn mạnh trong tinh thần tự hào của người trẻ Việt mà ở đó, “Phượng Khấu” có đóng góp không hề nhỏ.
Đại diện nhà sản xuất trang phục trong phim “Phượng Khấu” tiết lộ, kinh phí cho khoảng hơn 300 bộ trang phục lên tới hàng tỷ đồng. Trong đó, kỳ công và tốn kém nhất là bộ trang phục Long Bào Đại Triều phục đi kèm mũ Cửu Long thông thiên và bộ Phượng Bào đi kèm mũ Cửu Phượng. Trang sức và các phụ kiện khác trong phim cũng được phục dựng hết sức kỹ càng.
Với số lượng trang phục "khổng lồ", nếu sử dụng chất liệu hoàn toàn từ các làng nghề dệt vải truyền thống nổi tiếng trong cả nước với nghệ thuật thêu tay thủ công đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng thì chi phí rất cao. Vì thế ê-kíp làm phim đã cố gắng phục dựng các cổ phục theo hướng gần nhất bằng cách thêu tay một phần, kết hợp với nghệ thuật in ấn, thêu máy và sử dụng thêm các chất liệu nhập từ nước ngoài.
Phim đã tái hiện tỉ mỉ các chi tiết thêu màu sắc và dáng áo Ngũ thân thời Nguyễn. Hầu hết các họa tiết trên trang phục đều được thêu đối xứng trái phải (trên vai áo, cổ áo,...) hoặc chính giữa áo. Đối với việc sử dụng họa tiết, có thể chia thành các nhóm sau:
Họa tiết hoa thảo: các loài hoa hồng, hoa phong lan, hoa mai, hoa cúc, lá,.. được cách điệu phong phú kiểu dáng. Mới thoáng nghe cũng tưởng đơn giản nhưng "Mai - Lan - Trúc - Cúc" chính là những loài hoa có tính biểu tượng trong văn hóa Việt Nam nói chung chứ không chỉ riêng triều Nguyễn.
Họa tiết con vật: Họa tiết rồng 5 móng được sử dụng trong Long Bào của Ngài Ngự và họa tiết Phượng ổ được sử dụng trong các trang phục của bà Phi Hiền và Đức Bà. Các họa tiết như Loan ổ được sử dụng trong trang phục Nhật Bình lễ phục của các bà Hiệu Nguyệt, Phương Nhậm, và các họa tiết khác như chim hạc trắng, hình hoa cúc trong trang phục của Tịnh Xuyên và Đoàn Viên.
Họa tiết biểu tượng: Họa tiết vĩnh kết đồng tâm trong áo Nhật Bình của tam giai Thụy Tần và các vị phi khác.
Họa tiết chữ: Họa tiết chữ Phúc, Lộc, Thọ, Á... được sử dụng phổ biến trên các trang phục của Hoàng thái hậu - nhà Vua và các vị Cung - tần.
Màu sắc được sử dụng trong phim chia thành ba gam màu: nóng và lạnh tương phản nhau cho 2 tuyến nhân vật đối đầu, và gam trung tính cho các nhân vật còn lại. Trang phục của Vua có màu bửu lam, màu vàng...
Trong khi đó các phi được dùng gam màu như cam bích, đỏ, thiên thanh, màu ngọc lam,... bà Phi Thành (Hiệu Nguyệt) với gam màu lạnh chủ đạo, thiên xanh. Đối trọng là bà Lệnh Phi (Phương Nhậm) trong các màu cam đỏ, nóng hừng hực như khí thế và tính cách của bà. Lương Phi (Đoàn Viên) dịu dàng ôn hòa trong các màu pastel. Riêng Thái hậu, điểm nhấn nằm ở tông màu nâu của những bộ phục trang.
Độ dài áo cũng được thiết kế theo lối cũ, kiểu quá gối một ít chứ không chạm đất. Cổ áo cao, kín sát nhau không hở. Tay áo có 2 loại, đối với thường phục thì tay áo nhỏ, ôm sát gọn gàng còn đối với lễ phục thì tay rộng. Đặc biệt áo Nhật Bình trở nét đặc trưng không thể chối bỏ của bộ phim khi được tái hiện một cách tỉ mỉ chu đáo và rõ nét nhất từ kiểu dáng cho đến màu sắc.
Theo Hội điển, áo Nhật Bình là Triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là thường phục của Hoàng hậu, Công chúa. Áo Nhật Bình có nguyên mẫu là dạng áo Phi.
Phong thời Minh, là loại áo xẻ cổ, có dạng đối khâm, cổ áo to bản tạo thành hình chữ nhật ở trước ngực, dưới ức có dải vải buộc hai vạt áo. Thường phục Nhật Bình được đặt định vào năm 1807 thời vua Gia Long và được duy trì cho đến cuối thời Nguyễn.
Trang sức trong phim cũng được tuyển chọn rất đẹp và phù hợp với trang phục
Trâm cài hoa tai, vòng ngọc đeo tay, vòng đeo cổ, chuỗi hạt là các loại trang sức chính được sử dụng xuyên suốt phim và cũng được đầu tư rất kỹ lưỡng. Nếu chú ý kỹ qua từng cảnh phim, người xem sẽ có thể nhận ra “nguyên tắc chính - phụ” trong phối màu. Lấy ví dụ:
Rõ ràng, sự khéo léo, chỉn chu trong việc phục dựng cổ phục của thời Nguyễn trong phim “Phượng Khấu” đã góp phần nâng giá trị của bộ phim lên rất nhiều. Điều đó cũng phần nào cho thấy, việc khôi phục và đưa cổ phục Việt vào các sản phẩm văn hoá, giải trí là điều cần thiết. Ngoài ra những cổ phục này còn có tính tham khảo như một kho tư liệu, tạo động lực để phim cổ trang Việt phát triển trong những năm tiếp theo.
——————
Edit by: #NLVH
Theo: Bee - Molistar
Nguồn ảnh: tổng hợp
#HueViewers #kinhdohue