Chương 1: Con Quạ

Chương 1. 1. Con quạ

7,061 chữ
27.6 phút
138 đọc

Nhìn lên kim đồng hồ lạch cạch chỉ ba giờ sáng, Hạo mới chịu buông xuống cây bút mực đã trơn nhẫy vì mồ hôi. Hắn ngồi bên bàn giấy từ sau buổi ăn chiều đến tận bây giờ, không buồn nhúc nhích dù chỉ một chút, bàn tay phải mang mấy cục chai sần cầm bút viết liên tục trên trang giấy đã nhiều giờ liền, khiến cho thân dưới cũng như tê cứng lại. Những tờ giấy trắng tinh và mịn như ngọc dĩ nhiên không thể xuất hiện trong cái thời cuộc rối ren này, nhưng dù có chắc Hạo cũng chẳng đủ tiền để mua; thứ giấy mà hắn đang dùng để viết thành bản thảo vốn là thứ giấy thuộc loại “mạt hạng” - theo lời hắn từng nói với giọng khinh rẻ - chúng không dày không mỏng, lại gồ ghề và vàng ệch, xỉn xỉn như răng người hút thuốc lâu ngày. Thời còn đi học, có bao giờ hắn thèm để mắt tới cái loại giấy như vậy đâu khi mà cậu Hai Hạo lúc nào cũng sở hữu từ giấy mực cho đến áo quần, giày dép, thức ăn đều những món tốt nhất và đắt tiền nhất. Hắn nhớ lại mà tiếc hận, đúng là ai giàu ba họ, ai khó ba đời, văn chương ngày xưa viết là để cho thỏa mãn cái niềm mơ mộng, giờ đây lại trở thành cần câu cơm cho gia đình hắn, mà câu cũng chẳng được bao nhiêu phần. Nhà Hạo bây giờ thú thật là nửa tháng mới dám một lần ăn thịt, còn thua cả nhà nông dân trồng rau nuôi gà, thế nó mới mỉa mai.

Cái tiếng ngòi bút mực cũ gí sột soạt lên mặt giấy rẻ rề giá hai xu một xấp ấy, cùng với sự buồn bã mỗi khi nhớ về tháng ngày xưa cũ, do đó nhiều lúc khiến Hạo như muốn phát điên.

Tuy thế, nào đâu chỉ vì cây bút hay chất giấy, mà còn là khung cảnh xung quanh, là cả cái cuộc đời này cứ như lúc nào cũng muốn chống lại hắn, ngay nguồn cảm hứng làm nên văn chương để giúp Hạo lãng quên thực tại mà trôi vào thế giới của riêng mình cũng chẳng còn tồn tại nữa. Đã lâu rồi hắn chẳng còn nghĩ được cái ý tưởng nào cho ra hồn ra vía, những trang bản thảo với cốt truyện cũ rích, đi theo lối mòn dù được Thư quán chấp thuận nhưng đối với hắn lại là nỗi thất vọng cùng cực, tưởng như phải chết đi với cái thất vọng đó của mình. Hắn keo kiệt với chính mình, cốt để cho cả nhà được một bữa no ấm, nhưng no ấm đâu chẳng rõ mà chỉ thấy càng lúc càng kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Tệ bạc với văn chương, mà cũng tệ bạc với gia đình, nhiều khi hắn tự trách móc bản thân như vậy mà cũng dám tự xưng là xứng đáng với cái làm chồng, làm cha. Hắn lắm lúc muốn chết, nhưng nghĩ lại nếu mình chết đi thì tiền đâu làm ma chay bây giờ, ai sẽ kiếm cơm bây giờ? Hắn chết rồi thì hắn sướng nhưng vợ con hắn sẽ khổ, và nếu như vậy thì tội hắn lại chồng thêm tội mà thôi.

“Mình à, nghỉ một chút đi!” Phía sau Hạo vang lên một giọng nói nhỏ nhẹ mà nghe đầy sự lo lắng. “Chiều giờ mình cứ ngồi mãi…”

Hạo xoay người nhìn về phía giường ngủ - nơi có giăng một lớp màn trắng nhờ nhờ, cơn đau nhói nơi cái lưng phải ngồi quá lâu nay bị di chuyển đột ngột khiến hắn nhăn mặt. Vợ hắn nói xong thì vén màn, xỏ guốc rồi bước tới cạnh chồng. Mỗi bước chân nàng đều vang lên âm thanh lộp cộp của đôi guốc gỗ cũ kỹ, chẳng biết còn dùng được bao nhiêu ngày. Ánh đèn leo lét hắt bóng cả hai lên vách tường, trong đêm khuya biến thành những hình thù đen ngòm quái dị, như thể chúng đang nhảy múa với nhau ở một chốn âm ty địa phủ nào.

“Mình đi ngủ đi chứ, mờ sáng đến nơi rồi.” Vợ Hạo lặp lại câu nói ban nãy, dù sử dụng từ ngữ khác. Hắn gật đầu, nhìn vào mắt vợ. Đôi mắt tròn đen láy ấy lúc nào cũng tràn ngập ái tình, dù cho chủ nhân của chúng đã bị vắt kiệt bởi sự khổ sở trong thời cuộc rối ren. Chúng giống với niềm tin vào văn chương nơi Hạo và hắn luôn luôn yêu đôi mắt của nàng là vì lẽ đó. Hắn đẩy ghế đứng dậy, dợm chân định bước theo vợ lên giường, nhưng nửa đường thì dừng lại. Tự dưng hắn không muốn ngủ lúc này, cơ bản thì hắn luôn thấy việc ngủ ngáy các thứ đã chiếm quá nhiều thời gian của con người ta. Hắn không thích ngủ nhiều, bởi theo hắn thì, chẳng phải sau này chết đi rồi thì sẽ được vĩnh viễn nghỉ ngơi hay sao chứ?

“Ngủ trước đi, tôi uống miếng trà rồi vào.” Hạo nói, không để vợ trả lời mà bước thẳng ra khỏi buồng. Gian nhà trước rộng thênh thang mà tối đen như mực, dù thế hắn đã sống cả nửa đời trong ngôi nhà này, thành thử kể cả trong bóng đêm thì vẫn có thể nhận biết được vị trí của cái bàn uống trà đặt ở giữa, phía trước bàn thờ đang lập lòe ánh sáng từ hai cây đèn hột vịt đỏ, trông như hai con mắt của một loài yêu ma quỷ quái nào trong những câu chuyện xưa.

Rót trà ra ly, Hạo vừa uống vừa nhìn ánh đỏ nơi đèn bàn thờ. Hắn bỗng chốc nhớ lại nhiều năm về trước, khi hắn lần đầu gặp nàng ở đám cưới của chính mình - một cái đám cưới qua mai mối giống hệt những cái đám cưới đương thời khác. Vợ Hạo khi ấy mặc một bộ áo dài xanh lục, khoác ngoài lớp vải the màu điều, gương mặt nàng gọn gàng, đẹp đẽ đúng như những gì bà mai đã tâng bốc với cha mẹ hắn, nhưng bà ta đã quên hoặc cố tình quên một điều, đó là cô dâu có nước da trắng nhưng không phải trắng hồng, mà nó lại mang cái màu xam xám và vô cảm, lạnh lẽo như xác chết, dù có bao lớp trang điểm cũng chẳng che giấu được. Hạo nghĩ có lẽ là do nàng tuyệt vọng và oán hận khi bị ép cưới. Trước khi làm vợ hắn, nàng ắt hẳn cũng từng có một thời thiếu nữ xuân thì với bao nhiêu là ước mơ, là khát vọng về một tương lai yên ấm bên cạnh chàng trai mà nàng yêu. Nhưng những thứ mộng tưởng đó rốt cuộc cũng như bong bóng xà phòng, càng bay cao lại càng sớm vỡ nát, chẳng còn lại gì trong lưng chừng cõi hư vô. Lúc cúng xong bàn tơ hồng, hai vợ chồng trẻ cúi người lạy nhau, hắn còn thoáng thấy chút gì đó u buồn xen lẫn căm ghét vụt qua nơi ánh mắt nàng, dù cảm giác đó rất nhanh đã biến mất vào thinh không như cách tờ giấy vàng mã cháy rụi thành tro tàn trong chậu than vào mỗi đầu tháng âm lịch.

Và, Hạo còn nhớ, giữa cái khung cảnh có thể tạm coi là vui vẻ đầm ấm của đám cưới lúc đó, trên cành cây trước nhà hắn đột nhiên xuất hiện một con quạ. Con quạ im lặng với màu lông đen nhánh như một chấm đen trên nền giấy đỏ, hướng ánh mắt vô hồn về phía bàn tơ hồng, chẳng biết nó đã ở đó từ khi nào và nhìn được bao lâu, nó đem lại cho hắn cảm giác ớn lạnh đến cùng cực. Nhưng khi Hạo chớp mắt một cái, thì đã chẳng còn thấy cái bóng đen ấy đâu nữa. Cứ như thể đó là điềm báo về một tai ương nào đó cố tình hiện lên cho riêng hắn thấy trong thoáng chốc, sau đó thì biến mất đi.

Với vị thế và quyền lực của ông thân sinh, nhà Hạo trước đây thuộc hàng khá giả nhất nhì trong trấn, so với gia đình vợ Hạo cũng là môn đương hộ đối, ngoài việc bị ép cưới hắn ra thì nàng về nhà chồng chẳng phải khổ cực làm lụng gì, nhưng nàng lại khổ vì cái khác. Đó chính là cái bóng ma phong kiến và áp lực của một người con dâu độc tôn vẫn cứ đè nặng lên đôi vai nàng.

Mẹ của Hạo không phải là một người thiện lương và cha hắn cũng vậy, bọn họ khắc nghiệt soi mói, để tâm đến từng lời thốt ra từ miệng nàng, từng điệu bộ dáng đi của nàng trong ngôi nhà này. Không cần đợi đến lúc sai quấy, chỉ cần nàng hành xử không vừa ý thì lập tức bị hai ông bà đem ra chì chiết, đay nghiến trong những câu nói mát, tới mức nhiều lúc Hạo nghe mà cũng quặn ruột. Thế mà mỗi lần hắn chịu không nổi lên tiếng bênh vợ, thì cha mẹ hắn lại tỏ ra oan ức lắm, bà mẹ còn kêu khóc rằng hắn vì một con đàn bà khác mà dám lớn tiếng với đấng sinh thành. Mãi rồi cái trò khóc lóc này càng làm hắn chán nản, chỉ đành khuyên vợ rằng hai ông bà già cả lẩm cẩm, cứ xem lời mắng chửi của họ như gió thổi qua tai, không cần để ý nhiều. Vợ Hạo chẳng biết là nghe lời chồng hay là cũng cảm thấy mệt mỏi giống như hắn, nhưng quả thật nàng đã không còn khóc, hay nói đúng hơn là không còn chút biểu cảm nào chân thật như trước kia nữa. Cho tới mấy năm trước lúc cha mẹ của Hạo lâm bệnh qua đời, nàng bớt một gánh nặng nhưng từ đó gia cảnh cũng dần dà sa sút đi. Hạo thì không tìm ra lý do gì để trách cứ gì vợ mình, bởi hắn luôn luôn thấy bản thân vô dụng.

“Mình, ngày mai là mùng tám tháng chạp.” Sau khi khép cánh cửa buồng lại, Hạo vẫn mơ hồ như người còn năm mơ. Tiếng vợ Hạo lại lần nữa kéo hắn về thực tại. Hắn thấy nàng ngồi bên giường, bàn tay gầy guộc vân vê mép áo, nàng hít một hơi khí lạnh, như thể sắp gom góp hết lòng dũng cảm để thốt ra cái câu mà nàng sẽ chẳng bao giờ muốn nói. Ánh mắt nàng nhìn Hạo ráo hoảnh, nhìn bàn tay với những cục chai do cầm viết lâu của hắn, lại nhìn sang cái bàn viết và nhìn vào góc nhà – nơi đặt cái nôi bằng gỗ phủ vải hoa. Vì con hãy còn đang ngủ, nên vợ Hạo cố hạ giọng, dẫu cho tiếng nàng bình thường vốn đã luôn nhỏ như muỗi kêu: “Em nghe người ta nói rồi, chỉ cần một chút thôi cũng được, chỉ cần con mình mạnh khỏe thì…”

“Được rồi.” Hạo cắt ngang lời vợ. Hắn không muốn nghe tiếp và biết nàng cũng chẳng muốn nói tiếp. Hắn bước tới bên cái nôi gỗ. Từ khi sanh ra tới lúc ba, bốn tuổi, Hạo cũng đã từng nằm trong cái nôi này và từng được bà vú Tám đưa nôi mà vừa hát ru cho hắn ngủ. Bà thân sinh của Hạo khi hắn còn nhỏ chẳng trông con được ngày nào, tới chuyện bú mớm chăm nom cũng là bà vú Tám lo liệu. Hạo do đó thương bà vú Tám lắm, hắn thương bà bằng cái lòng biết ơn của đứa nhỏ được bà cho bú sữa, thương bằng cái tình con trai đối với mẹ, nhắm chừng còn hơn cả bà mẹ ruột lúc nào cũng sầm sầm mặt của mình kia. Hạo còn định lúc lớn khi đã cưới vợ rồi sẽ để bà vú Tám tiếp tục lo lắng cho vợ con hắn, còn hắn sẽ lo cho bà, trả hiếu cho bà đầy đủ để đền cái ơn dưỡng dục, bù đắp những tháng ngày bà phải đem con mình đưa người khác để đến ở vú cho nhà hắn vì quá nghèo. Hắn nhớ lúc nhỏ mình đã có lần hỏi bà về đứa con ấy, chỉ để nhận được một nụ cười buồn khổ, rằng nó sống không được, lúc đem đi cho được dăm ba hôm thì nó ở nhà người ta bị chuột cắn sanh bệnh, chết mất rồi.

Năm Hạo mười hai tuổi thì bà vú Tám trong lúc đi chợ ngang qua miễu ông Lớn nơi người ta ưa thả trâu bò ăn cỏ ở đấy, chẳng hiểu sao có con trâu nổi điên phi đến tông bà, sừng nó xiên qua bụng rồi cắm vào thân cây làm bà chết ngay tức khắc, còn nó cũng sùi bọt mép rồi lăn đùng ra tắt thở. Mấy ông nông dân làm ruộng gần đó khó khăn lắm mới lôi bà ra được khỏi sừng con trâu. Hạo lúc đó mới đi học về đã nghe tin dữ, hắn khóc đến mụ cả người, còn quỳ lạy trước xác bà vú Tám mà đòi thủ tang, bà mẹ phải kêu gia nhân lôi hắn về nhốt trong phòng, để đám tang bà vú Tám qua đi thì mới thả ra. Mà nghe nói, khi làm ma bà vú Tám, người ta thấy máu trong miệng với mũi, mắt bà chảy ra nhiều lắm, như kiểu không đành lòng ra đi. Hạo không biết đó là chuyện hư hay thật, nhưng trong cái đêm đem bà vú Tám ra đồng thì Hạo ở nhà ngủ nằm chiêm bao, thấy bà mặc áo dài đỏ, ngồi trên một cái thuyền có cờ lọng rất đẹp, gương mặt cũng hiền lành phúc hậu như bao năm nay, bà còn cười gọi tên Hạo mà vẫy tay gọi hắn lên thuyền.

Ngay lúc Hạo chuẩn bị bước chân đi thì cũng là lúc ngoài cửa sổ buồng vang lên tiếng quạ kêu quang quác, khiến hắn tỉnh giấc, thấy mồ hôi túa ra ướt đẫm người. Cha mẹ của Hạo nghe hắn kể thì lo ngại lắm, sợ bà vú Tám vì thương Hạo quá mà sẽ về bắt hắn đi, nên mới mời thầy về thỉnh bùa trấn lấy mộ bà, khiến bà vĩnh viễn nằm dưới đất và đời đời không thể siêu sinh. Cái bãi tha ma chôn bà vú Tám nay đã được dời đi nơi khác, vị trí chỗ ấy giờ là tòa lính gác Tây, người chết chôn tại đó nếu không có người nhà đến đem đi thì sẽ bị xúc hết mang ra nghĩa địa chung ở trấn mà làm thành mộ tập thể. Người nhà bà vú Tám chẳng còn ai, Hạo thì không biết vị trí chôn bà, nên chắc hẳn thân xác bà vú đã bị chôn vùi trong hàng trăm ngôi mộ lớn nhỏ không tên, tới giờ không biết bọn họ đang nằm ở đâu trong cái nghĩa địa ấy.

Sáng sớm ngày hôm sau, mồng tám tháng chạp, vợ chồng Hạo dậy sớm để chuẩn bị nhang đèn, mướn một cỗ xe ngựa tự đánh đến nghĩa địa chung. Lúc này trời còn mờ sương, không khí lạnh lẽo cuối năm ám lấy cơ thể người ta hóa thành một màu xam xám. Nghĩa địa heo hút, vắng vẻ, tối tăm và đầy quạ đen trên mấy nhánh cây khô mọc chĩa ra tứ phía, trên con đường lát đá từ ngoài cổng vào đến giữa nghĩa địa trông như lối dẫn vào âm ty địa phủ.

Vợ Hạo đưa con trai cho hắn bế, còn phần nàng thì cầm trên tay năm nén nhang, vừa vái lạy vừa khấn cái gì đó mà hắn không nghe được một lời, đoạn cắm xuống mỗi nấm mồ một cây nhang. Mùi thơm nhang trầm cứ lẩn khuất khắp nơi trong nghĩa địa, dưới màn sương của một buổi sáng sớm âm u lại càng tăng thêm vẻ quỷ dị. Như thể biết bao linh hồn cư ngụ nơi đây đã dựa vào hương nhang mà tỉnh giấc rồi không ngừng lượn lờ xung quanh hai vợ chồng hắn.

“Đưa con cho em.” Vợ Hạo nói, “Mình nhớ, mỗi đứa chỉ lấy một phần cỡ hạt đậu thôi, nhưng con bé…” Giọng nàng nghẹn lại, “Con bé thì lấy hết ngón tay của nó, còn ngón nào lấy sạch ngón đấy.”

Khóe miệng Hạo hơi co giật như muốn lên tiếng phản đối, nhưng hắn lại cúi đầu xuống khi nhìn vào đôi mắt tròn, long lanh như chực khóc của vợ mình. Nàng đứng đó bế con, tà áo dài màu chàm bay trong gió lạnh, dáng người gầy guộc lọt thỏm giữa biển sương trắng, gương mặt vẫn xám xanh tái nhợt, dù cho nàng đã cố gắng bôi lên môi thứ son đỏ tươi như máu nhưng chẳng có ích gì. Nàng vẫn trông giống hệt như một bóng ma, cái bóng ma đã bao trùm lên cuộc đời hắn.

Hạo cầm cái thuổng trên tay, cắn răng quật mạnh xuống nấm mồ nhỏ nằm ngoài cùng ở phía bên phải. Hắn nhớ, đứa trẻ đầu tiên của hai vợ chồng là con gái. Vợ hắn mang thai tận mười tháng mà lúc vừa mới sinh ra thì nó đã không còn hơi thở, Hạo nhớ là nàng lúc đó vẫn còn có thể khóc được, nàng nằm trên giường, giữa một vũng máu, dùng hết sức bình sinh để giật lấy xác con trên tay bà đỡ Năm mà kêu gào, nhưng cách mấy thì nàng cũng chỉ có thể gọi hai tiếng “con ơi”.

Theo như lệ cũ của gia tiên nhà Hạo để lại thì trẻ con sinh ra sẽ không được đặt tên cho đến tận lúc ba tháng tuổi, nên đứa con vắng số này chẳng có lấy một cái tên để gọi cho đàng hoàng. Hồi đó nhà Hạo còn nhiều tiền, nên quan tài của đứa trẻ được làm bằng gỗ đàn hương thượng hạng, mai táng cũng rình rang và trang trọng hơn. Tính ra thì chuyện vẫn chưa có gì cho đến khi đứa trẻ thứ hai của vợ chồng Hạo, là con trai, cũng sinh ra được mấy ngày rồi mất, rồi đứa tiếp theo, tiếp theo nữa cũng vậy, tổng cộng đã có bốn đứa chết non. Lúc đó cha mẹ của Hạo mắng chửi vợ hắn không ra gì, bảo nàng là cây độc không trái – gái độc không con, còn muốn đuổi nàng về nhà mẹ đẻ để cưới vợ mới cho hắn. Thế nhưng Hạo cũng đã sống chết phản đối, lấy cả tính mạng mình ra đe dọa, thề rằng hắn sẽ chỉ chấp nhận những đứa trẻ do chính nàng sinh ra làm con mà thôi. Đó hẳn là lý do khiến cha mẹ hắn tức giận đến thành bệnh, rồi hai ông bà cứ thế nối nhau qua đời.

Tuy không thể hiện ra ngoài mặt nhưng Hạo biết là vợ mình luôn cảm thấy có lỗi. Mười năm làm dâu ở nhà Hạo, đã bốn lần nàng mang thai, nhưng có cố gắng mấy thì con sinh ra cũng không giữ được. Đứa cuối cùng, tính cho đến hiện tại, tên Yên, chữ yên trong “yên ổn”. Nó so với những anh chị của mình thì đương nhiên là may mắn hơn theo một cách nào đó, bây giờ đã được một tuổi hơn và hầu như lúc nào cũng bệnh đau què quặt tựa một con búp bê sắp tới thời hỏng hóc.

Từ khi Yên được sinh ra thì cả trấn nơi nào cũng đồn thổi rằng Hạo bị cắm sừng rồi, rằng hắn thực sự đang nuôi con người khác, rằng Yên là con của vợ Hạo và một gã thầy thuốc sơn đông mãi võ đã đến trấn nhỏ này và rời đi từ rất lâu, rằng Hạo đang phải trả cái nghiệp chướng do cha mẹ hắn lúc sinh thời đã gây ra. Thân phụ Hạo khi còn sống có giữ chức vị khá cao trong trấn này, hai vợ chồng ông ỷ vào gia thế mà kiêu căng hách dịch, làm nhiều chuyện xấu xa thất đức khiến người người oán trách, giờ đây khi con cháu của ông bà lâm vào cảnh sa cơ lỡ vận thì họ xem ra quá chừng hả hê. Tuy vậy, quả báo nếu đã tới đúng như thiên hạ đồn đãi, thế thì sao? Hạo vẫn cứ yêu thương Yên và không tra hỏi vợ tới nửa lời. Có một đứa trẻ trong nhà đối với hắn đã là quý lắm rồi, dù Yên có ốm đau bệnh tật hay không phải là con của hắn, dù có thế nào đi chăng nữa.

Hạo thương Yên không chỉ bằng cái tình thương của một người cha đối với con, mà còn bằng cái tình thương hại của một kẻ mạnh hơn đối với một kẻ có hơi thở như đèn treo trước gió. Hơn nữa, Hạo cũng thương Yên như một cách để bù đắp cho cái tội nghiệt mà hai vợ chồng hắn đã gây ra cách đây nửa năm về trước.

Bởi vì hơi thở của Yên, xác thịt của nó, sự sống của nó, đều là do Bình – chị sinh đôi với nó, ban cho.

Nói chính hơn là do hai vợ chồng Hạo, trong sự thống khổ mê muội, đã dùng Bình để đổi lấy Yên.

Năm ấy, Hạo nhớ, vợ hắn cũng có thai bình thường nhưng khi nàng chuyển dạ thì đã đau bụng suốt một ngày trời, lâu hơn bất cứ lần sinh con nào trước đây. Hắn cứ đi qua đi lại trước cửa buồng, đứng ngồi chẳng đặng, tim đập thình thịch những muốn nhảy ra khỏi lồng ngực vì lo sợ. Nói ra có vẻ tàn nhẫn đấy, nhưng con thì hắn đã mất không biết bao nhiêu đứa, mất đến mức quen rồi, hiện tại hắn lại sợ mất nàng hơn cả. Nếu như cuộc đời này của hắn mà thiếu đi người đàn bà ấy thì hắn dễ sẽ quyên sinh, sẽ chết theo nàng cho tròn cái đạo trăm năm chứ chẳng thiết sống làm chi nữa.

Tiếng vợ Hạo lúc thì thét gào đến mức làm rung chuyển đám bụi trên xà gỗ, khi lại chỉ rên rỉ vì quá đau không còn sức mà hét, rốt cuộc đến khi mặt trời lặn thì âm thanh trẻ con khóc vang vang trong buồng mới khiến Hạo nhẹ nhõm được phần nào. Hắn chạy vào thăm vợ, thấy nàng đã lả đi vì kiệt sức, có con hầu Nhàn đang giúp tém lại gối chăn, còn bà đỡ Năm vừa lau mồ hôi trên trán, vừa chỉ tay về phía hai cái bọc vải nhỏ đặt bên cạnh vợ Hạo mà cười: “Chúc mừng cậu Hai, mợ Hai có phúc quá, sanh được một lúc hai đứa nhỏ, một trai một gái.”

Không phải nói Hạo đã mừng đến mức nào nhìn thấy hai đứa bé sơ sinh còn đang khóc và ngoe ngoe tay chân trên giường. Bao nhiêu nỗi lo lắng về cơm áo gạo tiền, về tương lai u ám phút chốc bị sự hạnh phúc của người làm cha che phủ đi mất. Hắn nhớ mình đã vét tiền mà thưởng cho bà đỡ Năm rất hậu, lại phiền bà cách ngày đến thăm nom vợ con mình, cho tới khi vợ Hạo đứng dậy khỏi giường mà tự đi lại được mới thôi. Cứ như thể sự tươi mới của mùa xuân lại lần nữa đến với căn nhà của Hạo, suốt ngày hắn vừa viết văn vừa đưa mắt nhìn hai đứa bé nằm cùng nhau trong cái nôi gỗ, thi thoảng âu yếm nói mấy lời đùa vui với chúng. Vợ Hạo, khác với bà mẹ chồng quá cố của mình, luôn luôn muốn đảm nhiệm việc chăm sóc con cái, con hầu Nhàn đi theo thường chỉ phải bưng khăn hoặc chén sữa mà thôi. Những khi thấy vợ vào phòng để cho con bú, Hạo lại giả vờ đứng dậy khỏi bàn viết mà bước tới chỗ cái nôi, cố tình cúi người xuống và lướt môi mình trên gò má nàng, con hầu Nhàn biết chuyện nên ngó lơ sang chỗ khác, để hai vợ chồng dịu dàng nhìn nhau dù chỉ trong khoảng nửa phút rồi lại quay đi.

Cái hạnh phúc ấy của vợ chồng Hạo kéo dài đâu đã được nửa năm hơn, lúc đó hai đứa nhỏ đã được đặt tên rồi, đứa con gái đẻ trước gọi là Bình, đứa con trai đẻ sau tên là Yên. Bình yên – đó là tất cả những gì mà Hạo, cũng như vợ mình, cũng như bất kỳ con người nào trong cái trấn nhỏ này và cả trên thế gian này mong mỏi. Nhìn hai đứa con có sức sống và mạnh giỏi hơn hẳn các anh chị vắng số của chúng, Hạo lại càng mừng hơn bao giờ hết. Hắn ngày ngày ở nhà viết bản thảo đem gửi lên Thư quán với giá năm đồng bạc trắng cho một chương, còn vợ hắn thì đi làm trong tiệm may, một tháng trả cũng năm đồng bạc trắng, lại có con hầu Nhàn phụ quán mì ngoài chợ cũng thêm được hai đồng, tính ra thì mỗi tháng tính tiền cơm áo, tiền lo cho bọn trẻ vẫn còn dư được một đồng. Con hầu Nhàn theo vợ Hạo từ nhỏ, coi nàng như chị lớn, thành thử thương hai đứa bé lắm, nó ở với vợ chồng Hạo như người trong nhà, cái gì cũng muốn được góp sức mà không đòi hỏi gì. Nhàn cùng ăn cơm với hai vợ chồng, cùng phụ giúp vợ Hạo chuyện này chuyện kia để lo cho hai đứa nhỏ, đến tiền lương nó cũng chẳng nhận mà bảo chỉ muốn được ở cạnh để hầu hạ vợ Hạo đến già. Khi đó mỗi ngày trôi qua đối với Hạo đều rất vui và bình yên, với vợ cùng hai đứa con và cả với Nhàn – người mà từ lâu hắn đã xem như em gái trong gia đình. Hắn chẳng còn mong mỏi gì thêm nữa.

Cho đến khi có cơn gió lạnh nào đó từ xứ lạ thổi về, mang những căn bệnh không tuổi không tên đến với trấn nhỏ. Trẻ nít trong trấn chết rất nhiều, và hai đứa con của Hạo, dù đã được bảo bọc hết mức, vẫn không thể nào tránh khỏi cái tai ương ấy. Mà còn tàn ác hơn, tiền trong nhà Hạo đã cạn dần đi sau khi vợ hắn mất việc ở tiệm may, tính tới tính lui vẫn chỉ đủ để chạy chữa cho một đứa con.

Chỉ duy nhất một đứa.

Hạo và vợ giấu chuyện này với Nhàn, không muốn để nó biết kẻo lại lôi thôi. Hắn không thể mượn nợ vì ở trấn này người ta chẳng mấy ai muốn nhìn mặt gia đình hắn – cái gia đình thuở trước đã gây cho bọn họ biết bao khổ đau. Nhà vợ Hạo ở xa, bọn họ gả con đi thì không muốn còn dính líu tới nàng từ lâu lắm rồi. Các anh em trong Thư quán nơi hắn làm việc cũng chật vật lo từng chén cơm manh áo, hắn không nỡ khiến cho bọn họ khó khăn lại càng khó khăn. Nói chung là chẳng ai có thể giúp được vợ chồng Hạo lúc này. Giữa thời buổi nhiễu nhương, đói khổ, người ta dù tốt tới mấy cũng sẽ không cách chi cứu một kẻ đói khi mà bản thân còn chẳng có đủ cơm ăn, đó là lẽ tự nhiên rồi.

Rốt cuộc cái bóng ma phong kiến ngàn đời, cái trách nhiệm khốn nạn của một đứa con độc đinh lần nữa lại trỗi dậy mà bu bám lấy tâm trí của Hạo lẫn vợ hắn suốt nhiều ngày. Trong đầu hắn lúc nào cũng như có tiếng thì thào quỷ dị, là tiếng của cha mẹ hắn, của tổ tiên hắn, khuyên nhủ và đe dọa hắn hãy hy sinh một đứa con để cứu lấy đứa còn lại.

Theo lẽ đương nhiên, là hy sinh đứa con gái.

Giá như lúc đó, Hạo nghĩ, hắn có thể chết đi. Hắn có lẽ sẽ chết như cách mà vợ hắn chết khi cả hai nhìn vào mắt nhau, khi nàng ôm hai đứa trẻ lên xe ngựa để đến nhà ông thầy thuốc ở trấn bên. Con bé Bình chết giữa đường đi, ngay lúc ngang qua đoạn nghĩa địa, còn thằng Yên thì may mắn hơn nên được cứu sống – đó là tất cả những gì con hầu Nhàn cũng như mọi người quen biết với gia đình Hạo nghe hai vợ chồng kể lại. Đám tang của Bình diễn ra nhanh gọn, chính con hầu Nhàn đã bế nó đặt vào quan tài và đốt nhang khấn vái cho con bé được siêu thoát về cõi trời, kết thúc những trận khóc đêm đến lạc giọng và những tiếng ho dai dẳng. Thằng Yên dường như cũng biết được sự ra đi của chị mình, cho nên nó cũng khóc, nhưng không phải kiểu ngoác mồm khóc mà là rên rỉ, khóc rưng rức tựa như một con thú nhỏ bị trọng thương. Tiếng nó khóc nghe mà đau xé cả lòng, khiến vợ chồng Hạo và con hầu Nhàn cũng cầm không được mà rơi nước mắt theo. Con Bình còn nhỏ quá, đáng thương quá, nó chẳng đáng để bị tắt thở mà chết như thế này.

Sau cái chết của đứa con gái, vợ Hạo ốm một trận nặng, phải mất một tháng mới ngồi dậy nổi, nhà đã túng lại càng túng, hơn nữa dường như con hầu Nhàn đã ít nhiều nhận ra sự tội lỗi và đau khổ cứ ẩn hiện trong mắt vợ chồng Hạo, khiến cho nó dần dần xa cách với hắn và nàng. Rốt cuộc chỉ tầm hai tháng sau đó, Nhàn đi lấy chồng – cưới con trai thứ của ông thầy thuốc đã chữa bệnh cho Yên, không biết là có bấy nhiêu thương yêu trong cuộc hôn nhân này, nhưng Hạo chỉ thấy Nhàn muốn cho vợ chồng hắn bất an cả đời khi không biết cái bí mật của hai người liệu có bị nó vạch trần hay không. Nhàn cứ thế rời đi, bỏ lại vợ chồng hắn và Yên trong căn nhà âm u ấy.

Những ký ức rời rạc trong đầu bị Hạo xua đi, hắn nhặt nhạnh những nắm vụn xương bé bằng đầu ngón tay cho vào trong túi vải, cứ lần lượt từng ngôi mộ nhỏ đều bị quật lên ít nhiều. Mùi ngây ngây của xác chết phân hủy nhiều năm trộn lẫn cùng bùn đất khiến hắn cảm thấy cả cổ họng lẫn bao tử mình như quện lại, muốn ói cũng không ói được cho ra hồn. Những cái thây nằm trong các ngôi mộ nhỏ này trải qua tháng năm đều đã rã thịt đi chỉ còn lại xương trắng, duy có cái mộ cuối cùng – mộ của Bình, là hãy còn chưa phân hủy hẳn. Tính từ lúc Bình chết đến giờ chưa tới nửa năm, xác đứa trẻ đang vào giai đoạn rã từ từ, mí mắt bị giòi bọ ăn mất để lộ hai cái nhãn cầu đang trừng trừng nhìn hắn, như thể oán hờn và trách móc khi hắn mím môi bẻ lấy mấy ngón tay của nó để cho vào túi vải. Hạo không cầu xin sự tha thứ bởi hắn biết mình không đáng được tha thứ, hắn tuy không mở miệng nhưng luôn tự chửi mình là một kẻ làm cha tệ hại, một kẻ vô dụng chẳng thể bảo vệ được vợ con.

Sau khi lấp đất ở ngôi mộ cuối cùng xong, Hạo lẳng lặng đưa túi vải cho vợ mình. Yên nhìn thấy chiếc túi màu đỏ có thêu hoa thì rất thích thú, cứ với tay đòi chạm nhưng vợ Hạo đã giật cái túi mà cho vào ống tay áo, vừa bế thằng bé vừa lầm rầm khấn vái một hồi nữa, rồi hai vợ chồng mới ra về.

Khi vừa đặt chân đến cổng thì Hạo chợt bảo vợ: “Mình ôm con lên xe đợi trước, tôi để quên chút đồ ở đám mộ ban nãy.” Hắn đỡ vợ lên xe, hôn Yên một cái rồi mới xoay người rời đi, trở lại nghĩa địa.

Thật ra thì Hạo chẳng quên gì, nhưng không hiểu tại sao, cứ như có một sức mạnh vô hình phía sau cứ bắt ép hắn phải quay lại nơi ấy. Cái thuổng cầm trên tay Hạo trong vô thức nhẹ vạch ra trên mặt đất một cái khung chữ nhật cạnh nấm mồ ngoài cùng bên trái – vị trí chôn Bình. Hạo đứng nhìn cái khung đó thật lâu, những ý nghĩ mơ hồ không ngừng hiện ra trong đầu cho đến khi hắn bị giật mình bởi tiếng kêu ai oán của một bầy quạ đen đậu trên nhánh cây phía đằng xa. Sáu con quạ, trong đó có một con lông đã bạc màu, trông có vẻ già hơn, cặp mắt đen cứ hấp háy nhìn Hạo như dò xét, rồi cứ vậy cùng vỗ cánh bay đi mất hút vào màn sương trắng.

Khi về đến nhà, Hạo không vội vào bàn viết ngay mà ngồi lại ở nhà trước, trên bộ ván ngựa đáng giá cả gia tài mà trước đây ông thân sinh của hắn đã không tiếc tay vung tiền mua gỗ nhập trên rừng ở xứ khác về, rồi mướn người đến tận nhà chạm khắc. Bộ ván ngựa này như mang cả hơi thở của gia tộc Hạo từ trăm năm về trước, khiến hắn ngay cả khi tài sản dần khánh kiệt thì cũng không thể bán nó đi. Mà, thời khó khăn này làm việc quần quật còn không đủ ăn, ai lại đi mua một bộ ván ngựa mắc tiền đến thế chứ?

“Coi anh Hạo kìa, sao mà rũ rượi vậy?” Hạo biết cái giọng ấy. Đó là Huân - bạn thân của hắn hồi còn tóc để chỏm mà cắp sách đến nhà cụ đồ Lý, đồng thời cũng là nhà văn viết chữ đếm tiền giống hắn. Huân bước vào nhà, ngồi xuống cạnh Hạo, tự tiện rót trà, vừa uống vừa hỏi: “Thấy anh mấy nay không tới Thư quán như mọi khi nên tôi ghé coi thế nào, không có rắc rối chi chứ hả?”

Hạo lắc đầu cười: “Gì đâu, chỉ là hổm rày nhà có chút chuyện thôi!”

“Mấy nay thiên hạ cứ có cái trò đồn đãi nhảm nhí kì cục, anh lâu rồi chưa tới Thư quán nên chắc không hay,” Huân tựa người vào ghế, thở hắt ra, “Họ bảo mấy mụ đàn bà đang đồn thổi với nhau, là nhà nào mà sanh mấy đợt không nuôi được, thì đợt sanh lần sau cha mẹ cứ đem con ra bãi tha ma, đốt nhang khấn vái xong đào mồ lấy xương của anh chị đứa trẻ lên, đem về rửa bằng rượu rồi nấu thành cháo cho nó uống, thể nào cũng trừ được cái dớp chết non. Thật cũng kì quái quá lắm!”

Hạo nghe Huân nói mà chẳng có mấy chấn động, bởi cái lời đồn này đã xuất hiện được nhiều tháng rồi chứ chẳng phải mới đây. Hắn chỉ nghe rồi gật đầu cho có lệ, tâm trí vẫn đang vẩn vơ nghĩ chuyện đâu đâu. Cho đến khi bức rèm ngăn nhà trước với nhà bếp được vén lên và vợ Hạo xuất hiện, trên tay là một bát cháo còn đang nghi ngút khói.

“Mùi thơm quá chị Hạo à,” Huân gật đầu chào vợ Hạo, “Chẳng hay chị nấu cháo gì thế?”

Trên miệng của vợ Hạo phút chốc hiện lên nụ cười rạng rỡ hiếm hoi, khiến gương mặt nàng có phần khởi sắc. Nàng đáp lời Huân: “Là cháo thịt, tôi nấu cho thằng Yên nó ăn đặng mau khỏe lại!”

Ngược lại với sự rạng rỡ của vợ mình, Hạo không được vui vẻ cho lắm. Bởi hắn biết trong thứ cháo đó có thứ gì, hắn biết nàng tin vào lời đồn đãi ma quái kia, vì đó là cái thứ duy nhất nàng có thể bấu víu vào. Và hắn biết rằng những chuyện tệ hại sẽ chẳng bao giờ buông tha cho gia đình hắn, như vô vàn chiếc bóng trắng cứ lẩn khuất giữa những nấm mộ tồi tàn cùng bầy quạ đen với những cặp mắt soi mói trên nhánh khô ở nghĩa địa vào mấy buổi chiều mưa.

Sáu con quạ đen, Hạo nhẩm tính trong miệng, tại sao lại là sáu nhỉ?

Hắn đã nghĩ, nhưng chẳng nghĩ được gì, cho đến vào một sớm mùa thu nọ, Yên chết.

Khi ấy vợ Hạo đương đi chợ, Hạo thì ngồi đọc sách, một tay đưa võng cho con trai ngủ. Được một lúc khi hắn bế thằng bé lên định cho nó uống sữa thì phát hiện ra Yên đã ngừng thở, gương mặt nó xám ngoét, mười đầu ngón tay cũng thâm tím lại, nằm im re và lạnh ngắt trong cái bọc vải màu điều. Chẳng biết được nó đã chết khi nào và tại sao nó chết.

Ngoài trời lúc đó chợt văng vẳng tiếng quạ kêu trong mờ mịt khói sương.

Đám tang của Yên diễn ra lặng lẽ, họ hàng hai bên không còn mấy ai nên cũng rất thưa người đến viếng, huống hồ lúc này nhà Hạo đang ở cái thế sa cơ lỡ vận, người có tốt cỡ nào cũng chẳng muốn dính líu. Trong nhà làm mâm cơm cúng đơn sơ, chỉ có Hạo cùng vợ đứng lặng im bên cái quan tài nhỏ làm bằng gỗ “mạt hạng” hệt như thứ giấy mà hắn vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà viết lên vào mỗi đêm. Con Nhàn không đến, Hạo đã nghĩ rằng nó không muốn nhìn mặt vợ chồng hắn nữa, cho đến khi vợ hắn thì thào kể rằng Nhàn đã bị sảy thai rồi chết do mất máu cách đây nửa tháng. Lúc đó nghe bảo trước sân nhà ông thầy thuốc, quạ đậu cũng nhiều.

Khi mướn vài gã lưu linh đến khiêng quan tài ra nghĩa địa, Hạo thấy gương mặt vợ mình tối lại. Hắn chẳng biết hai vợ chồng có còn đủ sinh khí để mà khóc như những đợt trước hay không bởi họ đều không có chút biểu lộ gì ra mặt. Khi đã đạt đến giới hạn đau khổ, người ta thường chỉ có thể trơ mắt ra mà nhìn trời, để mặc cho hồn phách mình bị gió cuốn lên cao rồi phá tan đi trong cõi nào bất tận.

Đến nghĩa địa, hắn và những gã lưu linh lại thoăn thoắt đào thêm một cái huyệt nữa bên cạnh ngôi mộ thứ năm – mộ của Bình, đúng ngay phần mà hắn đánh dấu trong vô thức cách đó không lâu. Chẳng mấy chốc họ đã hoàn thành việc đào một cái hố vừa khít với chiếc quan tài chờ sẵn trên kia. Hạo và vợ im lặng đứng nhìn quan tài Yên được hạ một cách hời hợt xuống cái huyệt nhỏ, không có một giọt lệ nào chảy xuống khi mà mắt cả hai có lẽ đã khô lại từ rất lâu, hệt như những nhánh cây đen trơ trọi muốn đâm thủng bầu trời.

Không ai bảo ai lời nào cho tới khi hai vợ chồng chắc chắn rằng đứa con trai của mình, cũng như anh chị em của nó, giờ đã nằm sâu dưới lòng mộ. Hạo định mở miệng nói gì đó nhưng rốt cuộc lại im bặt, lặng lẽ cùng vợ trở về nhà. Phía sau lưng hắn, trên mấy nhánh cây kia, là bảy con quạ đang dõi theo từng bước chân của hai vợ chồng.

Ngôi nhà xưa cũ, rộng rãi mà đìu hiu, khí mùa thu vẫn còn vô cùng lạnh lẽo trong màn sương mờ đục. Những dải khăn tang trắng treo trên xà được tháo xuống, khiến cho thứ màu sáng duy nhất trong nhà cũng biến mất theo. Vợ Hạo vừa đến nhà đã lao thẳng vào trong buồng, bỏ lại hắn ngồi trơ trọi bên chiếc bàn hút thuốc phiện ông thân sinh để lại, ánh sáng hiếm hoi từ bên ngoài soi lên gương mặt u uẩn của hắn, khiến nó giống như bị phủ thành tượng sáp, trắng bạch và cứng đờ.

Ngoài sân bấy giờ chợt vang lên tiếng kêu quang quác đầy khô khốc. Bảy con quạ, một con lông bạc, trông có vẻ già hơn, cùng với sáu con quạ nhỏ lông đen nhánh đậu trên cây trước nhà, hướng ánh mắt soi mói vào trong phòng khách chỗ Hạo ngồi, dường như là tự mãn, dường như là khoái trá.

Hạo chợt nhận ra, dường như đó cũng chính là những con quạ ngày hôm ấy, chúng đã theo vợ chồng hắn từ nghĩa địa về để bắt Yên đi.

Truyện Con Quạ đã đến chương mới nhất. Hãy truy cập Vietnovel.com thường xuyên để cập nhật thông tin nhé!