Chương 83: Chuyện Cũ Đầu Thời Lê Sơ

Chương 83. Nhạn sà bãi cát

2,586 chữ
10.1 phút
67 đọc

"Chàng trai này, hắn đã từng gặp ở đâu đó rồi. Hình như là từ một buổi chiều nọ, ánh tà dương hừng lên đằng tây như lửa cháy, phủ xuống lớp lớp cỏ cây mọc bát ngát tới tận chân trời và đoàn người trải dài bất tận mà hắn có nhiệm vụ phải dẫn về Trung Quốc. Đô chỉ huy Thái Phúc dừng ngựa ngoái nhìn xuống đoàn người bì bõm lội trong bùn lầy, có những tiếng gông xiềng lách cách va vào nhau, họ lầm lũi mà đi, với bàn chân thâm lên vì mỏi tưởng như bất cứ lúc nào cũng có thể đổ gục trên đường mòn, khoảng trời đất cuối cùng nơi cố hương như níu bước chân họ. Phía sau còn có đoàn người khác áp tải không biết cơ man nào là sừng tê, ngọc trai, đồi mồi, lại thêm một đoàn người nữa, là đám dân phu chạy theo để gò mình lên đẩy những chiếc bánh xe bị lún sình lầy, hoặc nối lại một cái đai da bị lỏng, hoặc đơn giản chỉ để gào thét đoàn người đi nhanh hơn.

Đoàn người này đã trải qua ngót mấy trăm dặm đường leo dọc những ngọn đồi lởm chởm sỏi đá bằng chân trần để lên tới ải Bắc, trước ngày hôm đó đoàn người xuất phát muộn, Thái Phúc ước chừng họ sẽ còn phải đi thêm ngót năm mươi dặm đường nữa mới kịp đến quán trọ gần nhất tại Quảng Tây. Hắn nheo mắt nhìn về phía chân trời xa hoang vu những cỏ cây và gió khô khốc. Cái xứ này thật khắc nghiệt, khi trời luôn oi bức khiến da lúc nào cũng nhớp nhớp dù chẳng làm việc gì nặng nhọc, và cảnh chặng đường lưu đày đầy gian khổ và dãi dầu này đủ để bào mòn trái tim hắn.

Đến ải Bắc, trong đoàn người lúc nhúc già trẻ lớn bé, có mấy tù binh đến gần khiến Thái Phúc chú ý. Một chàng thiếu niên trẻ tuổi đang cõng trên lưng một người đàn ông trong quần áo vải thô sẫm màu và những nếp nhăn khổ sở, ông ta ướm chừng ngoài 50, với đôi chân đã sưng tấy lên vì những ngày đường khắc nghiệt. Dù người trước mặt hiển nhiên có khoảng cách thân phận và địa vị rất xa so với mình, Thái Phúc không hề có chút xem thường. Người trong đoàn tù binh này, nếu không phải là văn thân sĩ phu nổi danh thì cũng là thợ giỏi lành nghề, còn hai chàng trai đi cùng, tay xách nách mang những gói vải nhỏ đựng quần áo hay thức ăn kia hẳn chính là người nhà của ông ta. Viên thuộc hạ đi cùng khẽ nói với Thái Phúc, người đàn ông kia trước đây chính là Thượng thư và là Tư Nghiệp Quốc Tử Giám. Ông ta muốn xin với Thái Phúc để cho người con trai trưởng của mình trở về để chăm lo phần mồ mả gia tiên, còn con thứ thì theo cha đến Nam Kinh. Nhưng có vẻ hai người con của ông ấy không chịu, họ bàn cãi với nhau điều gì đó.

Những cảnh người nhà đòi đi cùng tù binh thế này không thiếu. Suốt một chặng đường dài, sự đói khổ và thiếu thốn cứ đè nặng thêm vào cái bụng lúc nào cũng lép kẹp, và nơi lam sơn chướng khí thú dữ rình rập trong cái lạnh vào ban đêm, rồi còn bao công việc khổ sai đang chờ họ, người thân họ xót thương nên cũng liều mình đi theo, cùng chung số phận lưu đày. Dụng ý của thiên tử cũng là ở đó, muốn những bậc văn sĩ nhân tài cùng gia quyến của họ tới Nam Kinh rồi dùng quan tước trói buộc những đời sau của họ ở nơi đất khách, không quay trở lại cố hương nữa. Thái Phúc cất lời rằng:

- Ta hiểu cho tấm lòng của các ngươi không muốn gia đình phải ly tán, triều đình sẽ không bạc đãi các ngươi. Nhưng ta cũng hiểu mảnh đất này là nơi các ngươi chôn nhau cắt rốn, mồ mả tổ tiên các đời đều ở đây, không nhẫn tâm để đèn tắt hương lạnh, mồ mả bị giày xéo trong chiến loạn. Việc chọn lựa là ở các ngươi, có điều ta cũng phải nhắc trước rằng cơn tao đoạn này chưa chắc đã chấm dứt, nếu trở về có giữ được mạng hay không thì còn nhờ vào số trời.

Người con trưởng ngước nhìn lên Thái Phúc không chớp mắt. Bờ vai anh ta gồng cứng lên và lồng ngực thì phập phồng hơi thở sau một quãng đường dài, chiếc cổ trắng ngần làm điểm tựa cho đôi bàn tay gầy cỗi của người cha, Bất kể cho quần áo lem luốc không chỉnh tề, tóc tai rối bời và dính bết vào gương mặt non nớt đang đầm đẫm mồ hôi, thì ánh mắt kia vẫn sáng tới kỳ lạ, và ánh nhìn đó chắc chắn không phải một kẻ bề dưới ngoái nhìn lên để cầu xin. Một khí chất thật đặc biệt, là quý tộc chăng, Thái Phúc đoán thế. Trước khi từ biệt cha để trở về, Thái Phúc biết trong lòng anh ta giờ đây cũng như lửa đốt, vậy mà vẫn bằng ánh nhìn kiên định ấy khiến cho hắn không thể rời mắt.

- Hoàng thượng của ngài muốn quy trọn hiền tài của đất An Nam về để phụng sự cho thiên tử, nhưng trước khi viễn cảnh ấy xảy ra, điều kiện tiên quyết chẳng phải là ngài phải để họ sống sót về tới Nam Kinh, để cảm nhận được hoàng ân bao la phải không?

Thái Phúc hơi nghiêng đầu lắng nghe sau đó bật cười.

- Được! Ta hứa với ngươi"

(Thái Phúc)

***

"Quân Minh ban bố chính sách miễn thuế ba năm, cho xây dựng lại đền đài gác ngọc, cho thi hành chính sách mà chúng gọi là văn trị giáo hóa tại phương nam, cho lập một quân bài phù Trần để phủ dụ dân chúng, một tấm màn thiên hạ thái bình thật ngọt ngào, để ẩn sâu trong đó là những khối ung nhọt sưng tấy và tanh tưởi. Nhân danh một vương triều vàng son vang bóng, để chúng đem cơ man vào người ngựa đến giày xéo non sông này, để tàn hại mạng người như cỏ dại, mà những âm mưu vẫn bọc trong một lớp ngôn từ thật hoa mỹ và êm tai. Tiếc rằng giấy không thể gói được lửa, mà chúng cũng không biết rằng, lớp lớp người bị chúng dí xuống bùn tanh, yếu mềm như cỏ, bền bỉ như cỏ và cũng sắc bén như cỏ, chỉ cần một cơn mưa thì rễ mọc lan tràn, và họ dù cho mất nước cũng không bao giờ mất tiếng làng.

Y ngước nhìn lên cánh chim vút cao chao liệng trên nền trời kia, không phải bầu trời ở cố hương, như ngày Thăng Long còn thái bình. Còn mình thì cứ mãi bị trói chân ở mặt đất này, mười năm dài phiêu bạt, một căn nhà tù thật rộng lớn. Người thân ruột thịt sẽ vẫn là sợi dây mảnh mà sắc bền để trói lại cánh diều, dù cho nó có bay xa đến đâu đi chăng nữa.

Ngay cả khi đã trốn thoát được rồi, khi ấy y mới nhận ra, ngay cả khi y đã tự do rồi, cũng không còn một nơi nào y muốn đi, không còn ai mà y muốn gặp. Một ngày nào đó, cũng như niềm hy vọng và mong ước không ngừng về một vì chân chủ sẽ đến và đưa mình đi, cảm giác ấy cũng đã biến mất. Người đã không cần y nữa, một cảm giác hụt hẫng khi nhận ra sứ mệnh của bản thân đã hoàn thành rồi, sự kì vọng cũng đã hết.

Một lần phạm sai lầm đã là quá đủ rồi"

(Nguyễn Trãi)

***

"Ngày nhạc phụ phát hiện ra Trãi có tư chất hơn người, ông đã dốc lòng bắt nó phải học, phải đọc sách, phải ngẫm hiểu Thi Thư, nhiều phen đến ngủ thiếp đi trong thư phòng, truyền dạy tất cả những gì tâm đắc nhất cho một đứa trẻ chỉ mới mười tuổi. Ông đã phụng sự cho triều đình cả một đời người, đã từng đi khắp trên dải đất này, đã từng thấy và chứng kiến biết bao điều càn rở, đã biết bao lần nhìn cảnh tấu sớ mình một lòng dâng lên mà bên trên vẫn không một lời phản hồi tựa như mặt hồ yên tĩnh, thêm hay bớt một hòn đá cũng chẳng mảy may gì. Ông đọc và bắt Trãi lặp lại những câu mà tâm trí trẻ thơ vẫn chưa thể nào hiểu được ý nghĩa và tấm lòng của ông ở trong đó. Nguyên Hãn không thích văn sách thi thư mà chỉ theo nghiệp võ, cha đã nổi giận đuổi nó về cho chú út dạy rồi cấm cửa không cho về. Ta không nỡ mở lời. Tất cả nỗ lực của ông đều chỉ cho thấy rằng ông đang tuyệt vọng, và đứa trẻ ấy như một điểm tựa trong những tháng năm dài đằng đẵng phía trước mà tao đoạn không biết đến bao giờ chấm dứt, khi lòng người vẫn như ngồi trên đống lửa chẳng biết đến khi nào nguôi.

"Con có biết tại sao hòn đá này ta thả xuống nước thì chìm, còn chiếc thuyền chúng ta đang đi thì không không?" Một ngày nọ, cha đã gặng hỏi Trãi một câu như thế.

Trãi im lặng một lát rồi hỏi ông ngoại là vì sao. Ông giải thích rằng "Vì con nước đã nâng nó lên. Khi nước và con thuyền này hòa hợp với nhau thì nó sẽ khiến thuyền băng băng lướt đi trên mặt nước. Mặt tiếp xúc của con thuyền với nước rộng hơn nhiều so với hòn đá, thế nên nó mới không chìm. Thế nhưng chỉ cần một sự cố nào đó, như ván thuyền bị vỡ, hay khi gặp con sóng dữ, thì thuyền sẽ lật, đó là khi nước và thuyền không hòa hợp nhau.Vạn vật trên đời này đều vận hành theo một định luật cán cân cân bằng không thể phá vỡ như thế"

Nghe tới đây, Trãi liền nói lại ngay.

"Dân chúng yêu quý những ai sống đúng đạo làm người. Cũng như đại dương có thể nâng đỡ thuyền mà cũng có thể làm cho thuyền lật nhào, thì dân chúng cũng có thể nâng đỡ hay lật đổ ngôi cửu ngũ như thế. Trời phù giúp cho những người đức hạnh, nhưng ý Trời không phải lúc nào cũng thấy trước được. Nếu người ta không xứng đáng với sự phù trợ ấy, thì ý Trời đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào"

Khi Trãi vừa dứt lời, ta có thể thấy rõ nhạc phụ đại nhân khựng người lại một lúc lâu, sau đó ông tiến lại gần ôm chầm nó vào lòng, nước mắt giàn giụa.

Cha ơi, người có biết không? Thời khắc con gặp lại Trãi ở Nam Kinh, con đã không kiềm được lòng mình mà mắng nó một trận. Con hiểu nó là đứa rất hiếu thảo, và cũng đau xót biết chừng nào khi biết những giây phút còn đang ở bên cạnh nhau thế này là những ngày cuối cùng, con cũng những tưởng nó đã buông xuống toàn bộ những nuối tiếc và tình riêng ở lại nơi ải Bắc hoang vu khắc nghiệt ấy rồi. Nhưng có lẽ chính cái tính bướng bỉnh ấy, có lẽ giống con, mà cũng giống Ngọc Điền, đã để nó sẵn sàng nghe theo lời Hoàng Phúc để tới gặp con dù biết rằng ẩn sau đó là trùng trùng hiểm nguy có thể một đi không trở về.

Đứa trẻ ấy. Sinh ra trong thời loạn. Gánh vác tất cả cảm giác của những người đi trước mà không một lời phàn nàn.

Đứa trẻ ấy. Vực dậy bản thân mình bằng ý chí không gì cản được, nó chấp nhận tất cả kì vọng và nỗi oán giận của những kẻ sĩ lỡ thời đặt lên mình. Dù cho có chịu tổn thương nhiều thế nào đi chăng nữa.

Nếu nó thất bại, gia đình ta sẽ vĩnh viễn chìm trong những lời mắng nhiếc mưa móc cay nghiệt của chính những người trong dòng tộc, sẽ vĩnh viễn mang mối nhục vong thần của nhà Hồ, và non sông này còn phải trải qua những mất mát và đau thương đến bực nào. Nhưng nó quá bao dung, quá bao dung để chấp nhận tất cả.

Ta đã đầu hàng giặc, đây sẽ là một nỗi nhục không gì có thể gột rửa được cho họ Nguyễn, ta đã từng mong mỏi một vị vua, một vị chân chủ mà ta hoàn toàn có thể đặt hi vọng phục quốc an dân, chờ Người, đi theo Người, phụng sự cho Người, nhưng rồi Người đã không xuất hiện. Ta như con thiêu thân chỉ cần một ánh sáng lóe lên cuối con đường thì có thể bất chấp tất cả để theo đuổi, dù cho có thất bại, dù nguy hiểm trùng trùng, dù biết trước những rủi ro vẫn chốn chốn lưới giăng chỉ cần sảy chân một lần cũng đủ để ôm hận thấu trời. Chỉ cần trông thấy một chút hi vọng quật khởi, thì ai cũng được, miễn người đó có thể cho non sông này một cái tên, hóa ra ta cũng từng dại như những anh hùng Đặng Tất, Cảnh Dung kia. Nhưng tất cả niềm tin của ta đã sụp đổ theo những thành trì tưởng như là thành đồng vách sắt kia mất rồi. Cánh cửa hoàn toàn đóng lại, tài năng, sức lực, chí hướng, tuổi trẻ, lòng nhiệt thành đã không còn, ta đã không chờ được khoảnh khắc tìm được đến Người, ta đã chẳng còn có thể thoát được khỏi nơi này nữa. Nhưng đứa trẻ ấy sẽ khác, tương lai nó sẽ là người sẽ là một làn gió mới phá vỡ tình cảnh ảm đạm này, xin đừng để ta trói buộc nó thêm một lần nào nữa. Còn ta sẽ dừng bước ở đây. Hồ Quý Ly không phải người ấy, chân chúa của nước Nam sẽ xuất hiện sớm thôi. Tiếc rằng kiếp này ta lại không có duyên với Người.

Thấy không, giờ thì đi đến bất cứ nơi nào mà con muốn. Bằng trái tim và óc phán đoán của mình đã tìm được người mà con có thể hoàn toàn dựa vào.

Để ta được nhìn nó thêm một lần nữa. Làm ơn, cha ơi, hãy chăm sóc và phù hộ cho đứa trẻ ấy. Ngọc Điền nàng ơi, chỉ một chút nữa thôi.

Từ giờ không còn ai có thể cản bước con được nữa"

(Nguyễn Phi Khanh)

---------------------------

(*) Nhạn sà bãi cát (Nhạn lạc bình sa) là khúc tráng ca của những văn thần thời loạn.

Truyện Chuyện Cũ Đầu Thời Lê Sơ đã đến chương mới nhất. Hãy truy cập Vietnovel.com thường xuyên để cập nhật thông tin nhé!