Chương 80: Chuyện Cũ Đầu Thời Lê Sơ

Chương 80. Phụ chương: Một thuở phồn hoa

1,929 chữ
7.5 phút
116 đọc

Cốt là tùng, vốn chẳng hợp với nơi gác ngọc lầu son.

----------------------

Bui một tấc lòng ưu ái cũ

Ai ngờ lòng người cực hiểm thay

Hướng về Chí Linh ngày gian khổ

Ai biết triều Đông vẫn vơi đầy.

Duy chỉ cố hương lòng khôn dứt

Trung hiếu thức nhẵn nẻo cầm canh

Gió đưa hương, đêm nguyệt lạnh

Đeo nghĩa cũ, dứt chẳng đành

Một tấm lòng son chiếu sử xanh.

Suốt những năm học cấp hai có dịp được học và tìm hiểu về án Lệ Chi Viên, khi ấy đọc xong chỉ thấy có chút nuối tiếc. Thế rồi sau này người ta lại bày thêm những cuộc tranh cãi không dứt mang danh nghĩa là xét lại lịch sử, về việc minh oan cho bà Nguyễn Thị Anh, về việc công lao của Nguyễn Trãi trong khởi nghĩa Lam Sơn không nhiều như người đời ca tụng, rồi lại về ý nghĩa tước hiệu Tán trù bá mà vua Thánh Tông ban cho, ý nghĩa thực sự của câu “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”, những điều ấy ít nhiều đều đã ảnh hưởng tới cách nhìn của mình về Nguyễn Trãi. Có thể những lập luận của họ là xác đáng và cần thiết, vì bản chất lịch sử sống được chính là nhờ việc không ngừng đặt ra câu hỏi. Thế nhưng khi đặt tất cả chúng lại trong một bài viết, sẽ dễ hướng bạn đọc tới tư tưởng lệch lạc.

Hôm nay là tròn 2 năm tôi viết “Chuyện cũ đầu thời Lê Sơ” sau một thời gian cố hoàn thành truyện vào đúng ngày này. Suốt một thời gian dài nghiên cứu tìm tòi, 5 lần chỉnh sửa cốt truyện và 3 lần viết lại truyện, còn những khi sửa lỗi chương thì nhiều không đếm xuể, cũng đã trải qua không ít lần muốn từ bỏ rồi lại cắm mặt mà viết, cuối cùng vẫn chưa hài lòng lắm, nhưng đó dù sao cũng là tác phẩm tôi dành nhiều tâm huyết nhất.

Tới khi đọc kĩ, tìm hiểu kĩ rồi mới thấy được rằng có nhiều việc không giản đơn như những dòng vô thưởng vô phạt ghi trong Đại Việt sử kí toàn thư, hay ít nhất là dưới thời này thì là như thế, mới không dễ dàng cuốn theo những lời phân trần thảo luận bâng quơ trên mạng, mới hiểu là ngay từ trước án Lệ Chi Viên máu chảy tới ngàn đời ấy, là cả một quãng đường dài. Chỉ biết rằng qua những trang sách cuối cùng còn sót lại, với lời thơ như thế, những quan điểm sắc sảo như thế và một ước vọng cả đời như thế, mà đoán được tấm lòng một con người.

Nguyễn Trãi là trung thần, cũng là một người rất kiên định. Nhưng đồng thời ông ấy cũng không phải kiểu người cực kỳ cứng cỏi hay giỏi kháng cự tranh giành. Ông là điển hình cho khí chất văn sĩ Nho gia khi ấy, xuất thân quyền quý, khuôn vàng thước ngọc, lễ nghi chừng mực, học vấn uyên thâm, tài năng đương dịp nở rộ, nổi tiếng khắp kinh thành xứ Bắc Hà khi ấy, những người thân thiết giữ chức vụ cao trong triều không ít, lại là thầy dạy học cho Quốc vương (cùng với Lưu Nhân Chú), được Vua tín nhiệm, có nhiều học trò.

Nguyễn Trãi dịu dàng, một người rất yêu thiên nhiên và hài hòa trong khí chất thiền được thể hiện trong thơ ca của ông, lại rất mực thanh đạm giản dị, yêu quý và gần gũi dân chúng, rất ưu suy tư, lời lẽ mềm mỏng linh hoạt như nước chảy. Nhưng cũng chính con người ấy, đằng đẵng mười năm chìm nổi không chịu khuất thân giặc, dám thẳng thắn vạch ra những sai lầm của Hồ Quý Ly, cương quyết đấu tranh hòa đàm dù trái ý các tướng, gay gắt lên án luận điệu giả dối của giặc, cứng đầu coi thường danh lợi không chịu nhún nhường theo người khác.

Dịu dàng là thế, quyết liệt là thế. Dù rằng lẽ đời cứng quá thì gãy, nhưng vẫn không làm khác, vì Nguyễn Trãi đề cao tấm lòng của người quân tử. Quân tử trong lòng có đạo, dẫu chết cũng phải bảo vệ đạo nghĩa ấy đến cùng. Mà đạo của Nguyễn Trãi, chính là tư tưởng nhân nghĩa điếu dân phạt tội, là niềm mong mỏi một xã hội Nghiêu Thuấn ấm no thanh bình, là tình nghĩa. Trước sau, đều cố chấp vì lẽ ấy, biết rõ bước đường này chỉ có cái chết, ông vẫn chọn con đường của mình… Dù biết rằng thế cuộc bấy giờ là không thể thay đổi, song vẫn dũng cảm cố giữ mình giữa vòng xoáy công danh, những âm mưu thủ đoạn. Nhiều người nói Nguyễn Trãi quá mềm yếu, có thể nói ông quá cứng nhắc, chỉ biết rằng dù cho có hết lòng mong nhớ quê nhà thì vẫn chẳng thể bỏ được khát vọng được trọng dụng, được quay trở lại triều đình, người không hiểu thì lại nói Nguyễn Trãi tham quyền cố vị, hiểu rồi thì lại không kìm được mà xót thương.

Nguyễn Trãi u sầu, đa cảm, một vẻ man mác mà mãnh liệt khiến người ta không khỏi nuối tiếc, khó tránh đau lòng. Ông thường tự ví mình là một gốc tùng già (chương 76) để bày tỏ việc đời đáng rơi nước mắt, song không làm sao khác được, khi cái tài lại lắm nỗi truân chuyên. Với Lê Lợi, Nguyễn Trãi một lòng ngưỡng mộ sùng kính, hết mực trung thành, với các tướng và những năm Lam Sơn khởi nghĩa, ông vô cùng trân trọng và tự hào, không tiếc lời ca tụng bằng những lời thơ, lời văn đẹp nhất, với quê nhà, đó lại là một niềm xót xa u hoài nhớ thương gia đình, lại trăn trở với nỗi đau khi chí lớn không thành.

Tên là Nguyễn Trãi, cái tên ấy gắn với một thần thoại về lẽ sống chính trực chẳng luồn cúi theo người, hay gắn với niềm tin vụn vỡ của một lớp người đi trước?

Hiệu là Ức Trai, là lời nhắc nhở rằng phải biết kiềm chế chính mình. Người cũng như tên, tên vận vào đời người, tốt đẹp đến như vậy, cũng đau lòng đến thế...

Trước hết Nguyễn Trãi đã không là một hình tượng bị thần thánh hóa, chỉ là một người bình thường không muốn kháng cự tranh giành gì với đời, chỉ kiên định giữ lấy lý tưởng tốt đẹp dễ bị cười chê khinh thường trong thời điểm ấy - đứng lên phía trước chắn gió che mưa cho kẻ khác; dẫu có dằn vặt đau đớn, dẫu có khổ sở đắn đo, vẫn chẳng màng sương tuyết. Kiểu nhân vật này, dễ gợi cảm giác dễ chịu, dễ khiến ta cảm mến, biết trước cái kết là đau thương, lại không dừng bước được.

Cốt là tùng, vốn chẳng hợp với nơi gác ngọc lầu son.

Những buổi đầu của triều Lê Sơ ấy, khi gian khổ và mất mát suốt hai mươi năm bình Ngô còn chưa nguôi, mà thời đại rực rỡ cường thịnh thì chưa tới. Người ta không nhớ rõ bằng ba lần kháng Nguyên lừng lẫy nhất ấy, nhưng lại chẳng để ý rằng cuộc chuyển giao quyền lực của họ Lê vốn là từ trên đầu ngọn giáo, trên những trang đen tối cùng kiệt nhất của lịch sử; người ta vẫn không ngừng tranh cãi về câu chuyện kì án sát hại công thần, nhưng lại quên mất rằng trước đó, họ vẫn là những người chiến hữu đã cùng cộng khổ đồng cam. Chỉ là từ khi cuộc khởi nghĩa dần đến ngày thắng lợi, những con người cùng ngồi lại với nhau nơi mà trướng năm nào giờ đã trở thành quyền thần danh tướng. Từ chiến trường khốc liệt đến đô thành phồn hoa, họ bước vào vòng xoáy ấy trước Nguyễn Trãi. Từ quá khứ ân tình đến lầu cao gác ngọc, đã vĩnh viễn chẳng thể trở lại làm con người của lý tưởng xưa.

Đâu có gì là mãi mãi, khi tất cả máu tanh hòa cùng lệ đắng đều đã vùi chôn sau trang sách úa vàng. Mưa phủ lều tranh, phồn hoa rữa hết, người cũng đi rồi, vàng son hóa tro tàn, lại tự dưng bồi hồi khi nghĩ chuyện nương dâu bãi bể. Người đi, kẻ ở, ai khóc, ai cười. Một chấp niệm là một đời.

Dã sử cũng chỉ là dã sử, dù có viết nghiêm túc và chân thực cách mấy thì cũng không thể tránh được có yếu tố hư cấu thêm theo trí tưởng tượng người viết, càng không thể không vướng phải tình cảm chủ quan, nên đừng mong rằng có thể qua dã sử mà có thể học sử, nhưng đó cũng là một lăng kính mới, một góc nhìn mới rất riêng. Suy nghĩ khác, tình tiết khác, thì cũng chỉ là do tình cảm và góc nhìn khác mà thôi. Tôi chẳng vì lòng ngưỡng mộ yêu quý mà thần thánh hóa nhân vật của mình, cũng không buông lỏng ngòi bút để viết ra những điều dễ dãi. Muốn tìm lại lịch sử trong đống tro tàn giờ như mò kim đáy bể, muốn cất bút tả lại tâm trạng người xưa mà khó như trăng tan đáy nước. Cuối cùng thì cũng chỉ là sự mường tượng trong đầu của một mình tôi mà thôi.

Một thời gian dài đồng hành, Bộ truyện này đã chịu đựng biết bao thiếu sót của một đứa mới tập tành viết, từ hành văn non tay lủng củng, lậm QT đến cốt truyện nhạt nhẽo. Bộ truyện này, đánh dấu bước phát triển đầu tiên của tui khi chuyển hướng từ teenfic sang truyện thuần Việt, bắt đầu nghiêm khắc hơn với chính mình. Bộ truyện này, cũng chứng kiến sự trưởng thành của tui trong việc viết lách, bằng tất cả niềm trân trọng và trách nhiệm với những gì tui viết ra, cả niềm vui sướng háo hức khi truyện có thêm lượt đọc, lẫn những hụt hẫng, tự ti khi bỗng chẳng ai ngó ngàng.

Chẳng thể kể hết được những khó khăn mình đã trải qua khi mới tập tành viết, may mắn rằng lòng luôn rõ ràng, và chỉ có chút niềm hi vọng nhỏ nhoi đó mà có can đảm bước tiếp trên đoạn đường này. Rồi cũng đã tới bước cuối cùng, tự nhiên lòng mình bình yên đến lạ. Không biết rằng trong tương lai tôi có chỉnh sửa lại truyện hay cũng có thể là đổi luôn cốt truyện nữa hay không nhưng thời khắc này cơ bản đã ổn. Dù sao cũng rất biết ơn nhiều người, và cả các bạn đã kiên nhẫn đọc truyện của tôi dù thể loại này vừa khô khan vừa lằng nhằng phức tạp nữa, chính các bạn là người đã góp một phần động lực không nhỏ để truyện được hoàn thành. Nếu có duyên mong được gặp lại mọi người ở các dự án tiếp theo, và hi vọng rằng khi ấy văn phong của tôi sẽ bớt trẻ trâu hơn. Cám ơn mn!

Bạn đang đọc truyện Chuyện Cũ Đầu Thời Lê Sơ của tác giả Thúy Thảo. Tiếp theo là Chương 82: Phụ chương: Tạ ơn phút tương phùng.