Nguyễn Trãi khẩn khoản, nhìn sắc mặt Vua nhợt nhạt thì lại càng sốt sắng thêm. Y nghe nói rằng mấy ngày gần đây Vua đã liên tục cho triệu kiến những người thân cận với mình để dặn dò, có bận còn khẽ rơi nước mắt, có lẽ chính Người đã hiểu được rằng thời gian của mình đã chẳng còn lâu nữa. Nay nghe Vua tính toán chu toàn đến như vậy, Nguyễn Trãi lại chẳng thể kìm được bất an, đau xót. Từng là tri kỉ, là quân thần, suốt hai mươi năm ròng khuynh tâm thác kí, tới nay lại sắp âm dương cách biệt...
Âm dương cách biệt... bỗng dưng người Nguyễn Trãi rung lên, tất cả những lời muốn nói chợt tan thành suối nguồn mà trào lên không ngừng, nỗi đau thoát thai thành hình dáng rồi lăn dài xuống nền đệm nhung.
- Khanh có trách trẫm không?
Lê Lợi nhìn sâu vào ánh mắt Nguyễn Trãi, chờ đợi câu trả lời, gặng hỏi thêm lần nữa song y vẫn yên lặng không đáp. Biết y khó xử, Vua cũng chỉ cười bâng quơ:
- Quả đúng là Ức Trai...
Nguyễn Trãi lo lắng nhìn Người, lòng vẫn thấp thỏm không yên. Có những oán giận theo thời gian sẽ lắng xuống, dịu đi, hóa thành trầm tích trong dâu bể đời người. Có những oán giận tích tụ thành bệnh, rồi một ngày mai thành vết thương lòng, chẳng thể nào quên được nhưng cũng chẳng thể nào đành lòng mà buông thành lời nhiếc móc, mỉa mai. Chính bởi chẳng đành lòng nên hóa ra cứ day dứt mãi.
Y có trách không? Sáu năm kể từ mùa xuân đẹp nhất ngày hội thề Đông Quan kết thúc, khi niềm hăng hái vui sướng tới nghẹn ngào khi đất nước sạch bóng kẻ xâm lăng mới đến thì cũng là lúc mình lạc lõng giữa một triều đại đang dần hình thành ngôi thứ, còn mình thì ngậm ngùi xót xa. Sáu năm lòng lạnh như tiền, bỗng chốc những người thân cận với mình phải chịu mối họa thảm khốc rồi bị quẳng sang một bên, xa rời nơi Yên các, lạnh nhạt đủ điều, chẳng mảy may được can dự vào chuyện triều chính giúp Vua, vùi chôn tất cả tài năng của mình ở khoảng sân nhỏ trước phủ Hành khiển.
Sáu năm, Nguyễn Trãi chưa từ mở lời than trách. Giờ đây trong lòng ta tất cả đã đã trở nên nguội lạnh, những ước mơ, chí khí thời trai trẻ bỗng trở nên lụi tàn như lửa gặp cơn mưa rào. Chỉ chợt thấm thía rằng, chuyện của vua, của thiên hạ đã có hàng trăm ngàn người cùng lo, một cá nhân mình chẳng là gì cả. Y cứ như một con dã tràng cần cù xe cát xây tổ để rồi nước tràn đến là tan vỡ. Bởi vậy giờ đây mới nhận thấy sự nhiệt tình hăm hở của mình trong công việc đã để lại không thiếu gì nụ cười thương hại của một số đại thần, và cũng của chính bản thân. Bọn họ cười thương cho y, một kẻ từng là tiến sĩ làm quan trải qua mấy triều vua, bôn ba biết bao năm tháng thế mà đôi lúc vẫn ngây thơ như một đứa trẻ con.
Thế mà giờ đây lắng nghe những lời tâm sự thật lòng của bậc quân chủ, tất cả những gì mình đã phải trải qua có xá gì, hệt như năm đó lần đầu yến kiến Vua ở hành dinh Lỗi Giang, là thời khắc không rời mắt khỏi vẻ thân mật khoan hòa kia, tất cả những nghi ngờ lo lắng đều bỗng chốc tan biến hết thảy. Tất cả những gì y có được ngày hôm nay, đều là nhờ có Vua...
- Trẫm nợ khanh nhiều quá... - Vua khẽ nhắm mắt một lúc rồi quay sang Nguyễn Trãi, giọng kiên định - Trẫm chỉ muốn hỏi một lời sau cuối, sau khi trẫm băng rồi, khanh có thể cùng Vấn, Sát phò tá cho Nguyên Long hay không? Nó còn quá nhỏ, tính tình lại ham chơi, trong các mệnh quan triều đình hiện nay, người có học và hiểu biết chỉ còn duy nhất mình khanh. Vì vậy khanh phải thay trẫm mà bảo ban cho Nguyên Long.
Nguyễn Trãi kinh sợ khi nghe lời đó, nghẹn ngào lắng nghe hơi thở khó nhọc của Vua, thấy trong lòng mình se sắt một niềm thương cảm. Vị quan phụ đạo khí độ hào sảng năm ấy, vị chúa công gồm tài thao lược y dốc lòng đi theo phò tá ấy, giờ đây trong suốt bao nhiêu năm vất vả kinh dinh bốn phương, một mình gánh vác việc triều chính bề bộn, ủy thác việc từ ngàn dặm xa chẳng thiết gì bệnh tình bản thân. Người đã phải đánh đổi quá nhiều, mà Nguyễn Trãi lại chẳng thể kề bên giúp đỡ như trước. Y thực chất đã trở thành một cái gai trong mắt nhiều người và nhiều kẻ muốn nhổ phắt đi mà không được. Nguyễn Trãi chẳng mưu lợi điều gì cho riêng cá nhân mình cả. Cũng vì vậy, có thể đôi lúc Vua có không vừa ý, nhưng Người hiểu con người y, thế nên y mới an toàn đi qua được cơn bão táp vừa qua.
"Ngài hiểu lầm Bệ hạ rồi. Khi Ngài bị hạ giam trong ba tháng ấy, thậm chí Bệ hạ còn chẳng ở kinh thành..."
"Văn Xảo biết chắc Bế Khắc Thiệu sẽ mưu phản nhưng lại giấu nhẹm việc ấy đi, chẳng tỏ thái độ gì mà chỉ ngày ngày dò xét thái độ thiên tử, chú ý tới từng hành tung của Vua trên đường xuất chinh thảo phạt. Lòng dạ phản trắc của Xảo đã chẳng thể chối cãi được nữa….”
Thế nhưng tất cả đã chẳng còn quan trọng nữa. Trong đầu chẳng còn ý niệm nào cho cụ thể, nước mắt bất chợt tuôn rơi.
Trước nay, Nguyễn Trãi vốn tưởng rằng mình chỉ la một văn thần trù hoạch nơi màn trướng, mãi mãi chẳng thể sánh được với những người nhà họ Lê đã theo Vua kinh qua gian lao từ những ngày khởi nghĩa từ trong trứng nước. Thế nhưng rồi lại hiểu, một người là tôn thất tiền triều, lại còn là vong thần nhà Hồ, dính líu tới những vụ việc mà triều đình vẫn đinh ninh là phản loạn như y, nếu như chẳng phải thật sự tin tưởng, thì sao có thể trong suốt sáu năm sóng gió vừa qua Người vẫn bất chấp giữ y bên vai?
Tiếc rằng tới khi nhận ra được, thì cũng đã muộn rồi. Khi trước người tín nhiệm giao Tư Tề cho Nguyễn Trãi dạy dỗ, nay Quốc vương bị phế truất rồi, Người lại muốn y phụng sự cho người nối ngôi về sau. Những ai đã khuất, những ai bây giờ, suốt một thời nương dâu bãi bể, nơi chiến trường máu đổ năm nào giờ cũng đã hóa rừng xanh. Nguyên Long hay Tư Tề, sau cùng lại phải dùng cả cuộc đời mình để hàn gắn lại những rạn vỡ năm xưa để lại.
Ra nông nỗi này, làm sao trách ai cho được.
Những ngày Nguyễn Trãi về Côn Sơn dạy học, sao dài hơn mười năm cùng Vua kinh qua gian khổ. Từ khi rời nơi quân doanh thiếu thốn vất vả tới nơi kinh thành hoa lệ, Lê Lợi đã là quân vương phải coi sóc việc tân triều bề bộn, Người bước vào vòng xoáy ấy trước y, khi mà y vẫn còn nghĩ Vua còn là con người của những ân tình cũ, lý tưởng xưa. Y thương Vua bao năm đồng cam cộng khổ, một khi đã vì nghĩ cho trăm họ lại vĩnh viễn đánh mất cuộc sống giản dị mà mình từng có, y thương những người bạn chiến hữu bên cạnh mình lúc nguy nan, cực khổ trăm bề mới chờ được đến ngày công thành danh toại. Thế rồi đâu có điều gì là mãi mãi, tất cả rồi cũng phải bước tiếp về phía trước, hướng tới con đường mà biết rõ mình sẽ thua ngay từ khi mới bắt đầu.
Nếu mà nhà họ Lê lên ngôi từ một cuộc kháng chiến, nếu mà Lê Lợi vốn có chính danh hoàng thất để phủ dụ muôn dân, nếu mà Lam Sơn chẳng phải trải qua nhiều đau thương mất mát đến vậy, nếu Tư Tề vốn đã định sẵn làm chủ của Đông cung, có lẽ Nguyễn Trãi đã chẳng phải canh cánh mãi trong lòng như thế. Nhưng cũng vì đã trót trải qua những tháng ngày cộng khổ đồng cam, đã thấy giang sơn này để có được thái bình đã phải đánh đổi những gì, mới chẳng đành chọn về quê ở ẩn, mới phải tận lực giữ gìn.
Rồi mọi việc quay đầu phó mặc cho giấc Nam Kha kia thôi...
Nguyễn Trãi vén tay áo nhấc bút, viết nốt câu cuối cùng của bản thảo:
" Ngày tốt tháng 10 năm Quý Sửu, Thuận Thiên thứ 6 (1433). Vinh Lộc Đại phu Nhập nội hành khiển Tri tam quán sự, thần là Nguyễn Trãi phụng soạn".
Chuông đồng ngân vang, tất cả quân lính lẫn cung nhân đều sững sờ và vội quỳ rạp hết xuống.
Cùng ngày hôm ấy, Nguyễn Trãi tới thăm Tư Tề. Phủ Quận vương đã bị cấm túc, bước qua hàng hòe dẫn lối vào là thấy một khoảng sân hoang vắng xao xác lá rơi, ít kẻ hầu người hạ. Tư Tề ngồi bó gối gọn ở một góc, thắt khăn trắng trên đầu, ánh mắt ửng đỏ, vô hồn đờ đẫn.
Chưa đầy một ngày, chuyện Quốc vương Lê Tư Tề giết bừa nô tì trong phủ đã lan ra khắp cấm cung. Chưa đầy một tuần đã lại có tin khẳng định chắc nịch rằng Quốc vương mắc chứng điên khùng nên mới lên cơn cuồng sát đến thế. Tư Tề vào cung thỉnh tội, quỳ trước cửa điện hết ngày này qua ngày khác nhưng Vua nhất định không chịu truyền gọi. Người ta không ai dám lại gần. Có người cho rằng hắn điên thật. Còn những kẻ tính táo hơn thì chẳng dại dột gì đụng vào một thân vương đang thất thế hoàn toàn trước bè phái của Lê Sát, Phạm Vấn.
Chẳng thể biết được đã xảy ra những gì, khi những tiếng nghẹn ngào xé lòng cố nén trong thoáng chốc vỡ tung từ sâu thẳm, bỗng chốc cũng đau thắt ruột gan:
- Thầy ơi, phụ vương đi rồi....
Nguyễn Trãi đã đoán được ngày này từ lây lắm, hóa ra vẫn chẳng thể tránh khỏi. Từ nay đã chẳng còn ai có thể chống đỡ cho uy thế của hắn nơi tiền triều, đến Lê Lợi cũng lạnh nhạt hắt hủi, rồi Tư Tề biết phải làm sao...
Một ván cờ loạn thế, rồi đã cuốn không biết bao nhiêu người cũng đã bị cuốn vào vòng xoáy ấy.
***
- Thần xin kính chúc Bệ hạ muôn tuổi!
Nguyễn Trãi vén vạt áo quan đỏ tía quỳ xuống thi lễ ngay khi giáp mặt Vua ở điện Ngọc Hà, nói đoạn vội dẹp những ống công văn chiếu biểu đang soạn dở bày ngổn ngang trên thư án, muốn để vị trí đầu cho Người. Người chỉ đi một mình mà không có bất cứ nội quan nào theo hầu, đến khi Nguyễn Trãi ngẩng đầu nhìn lên thì đã thấy Người tiến lại cách chỗ mình chỉ độ dăm bước chân, vai khoác tấm hoàng bào thêu viền chỉ kim tuyến có phần rộng so với vóc người nhỏ bé. Không lên ngai vàng ngồi, mà ngồi ngay ở chiếc ghế dùng cho các quan nội thị, nhà vua nhìn Nguyễn Trãi hỏi.
- Này quan Hành khiển, lúc xưa trẫm nghe nói ông là mưu thần đệ nhất, lúc nào cũng kề cận bên Thái Tổ phải không?
- Thưa Bệ hạ, đúng vậy.
Được ban lệnh bình thân, Nguyễn Trãi mới đứng dậy khiêm cung lắng nghe. Thủy đình Ngọc Hà trải nắng vàng ươm lấp loáng hắt bóng trên lớp lớp mành tre thưa rải bốn bề xung quanh. Hoa giấy đong đưa rũ cánh non mềm, lao xao tiếng cá đớp bóng mây hờ hững.
- Trẫm lại nghe nói rằng mấy hôm nay ông có hiềm khích với Lê Sát phải không?
- Dạ...thần...
Ngỡ ngàng nhìn lên ánh mắt đăm chiêu của Vua hồi lâu, trước nay Nguyễn Trãi chưa từng nghe Vua tỏ ra quan tâm hỏi chuyện triều chính, song vẫn chờ đợi xem Người muốn nói gì. Vua mới quả quyết hỏi:
- Thế ông phải nói thật cho ta biết, mẹ ta năm xưa chết như thế nào?
Nguyễn Trãi sững người nhìn vị vua trẻ tuổi, bắt gặp vẻ cương quyết dường như có phần căm giận thoáng qua trên gương mặt khiến Vua như già trước tuổi. Trong một khoảng thời gian rất nhanh thoáng qua, y bỗng giật mình khi thấy dáng điệu quen thuộc đã in vào tâm thức mình từ lâu lắm. Chợt hiểu, Nguyễn Trãi cúi người lạy một lạy.
- Muôn tâu Bệ hạ, Hưng Nguyên năm ấy...
Tới khi dứt lời ngẩng đầu lên, lệ đã đầy trong đôi mắt Vua.
Nhân tiền quả hậu, những hạt giống đã gieo trồng từ bao năm trước, rồi cũng chẳng thể tránh được tai vạ về sau.
- HOÀN THÀNH -