Về đến Thuận Hòa cung, Nguyệt Ánh liền ngồi vào chiếc tràng kỷ, các nàng khác tự động ngồi vào ghế theo tước vị của bản thân từ cao đến thấp. Sau, Hồ thị liền bảo thị Hiền mau chóng dọn trà lên kèm vài món điểm tâm mới được Thái hậu ban cho lúc nãy. Những người khác nghe vậy cũng liền sai thị tỳ thân cận của họ cũng mau xuống bếp phụ đỡ thị Hiền, kể cả Thiên Lan.
Một thoáng sau, trà đã được dâng đến mấy cho các nàng, hương trà thoáng dịu nhẹ, cùng những chiếc bánh đậu xanh mềm tan trong miệng, lại ngọt dịu rất thích miệng. Tất cả mọi người đều vừa dùng trà vừa trò chuyện, tất cả mọi chuyện từ trên trời đến dưới đất, sau đấy là những tiếng cười ồ lên đầy sảng khoái. Thế nhưng, trong lòng Thiên Lan lại không cảm thấy vui như vậy, nàng giả vờ cười chứ thật lòng cảm thấy nghi hoặc vị Hồ thị và Huỳnh thị trước mặt đây. Nàng cảm thấy cả hai đều không đơn thuần, cả Tĩnh Quý nhân cũng cảm thấy thế, duy chỉ có Phùng Tuyên vinh còn đương thơ ngây nên vẫn chưa biết được chuyện gì.
Buổi tiệc trà kéo dài đến hơn khoảng một canh giờ thì ai nấy cũng đều xin vái ra về. Nhìn hình ảnh ba nàng ấy kéo nhau rời khỏi cánh cửa Thuận Hòa cung, Nguyệt Ánh lúc này mới thay đổi lại sắc mặt của bản thân, nhìn chằm chằm vào các nàng bằng đôi mắt đằng đằng sát khí. Sau khi cửa đóng lại, Nguyệt Ánh lúc này mới bước vào trong nội điện, không khỏi rùng mình trước buổi trà vừa rồi. Nhưng nàng làm vậy không phải là không có mục đích. Vài ngày trước, Thái hậu có cho vời Nguyệt Ánh đến trò chuyện. Buổi nói chuyện này, chỉ có riêng giữa Đức phi và Thái hậu, còn lại kể cả thị tỳ thân cận đều được lệnh đi ra ngoài hết.
- Hôm nay ta gọi con tới đây để nói chuyện này. Con cũng biết rằng sắp tới là lễ tuyển tú của Ngài Ngự. Nhưng trong đó, có lẽ có một người vô cùng ưu tú hơn hẳn những tú nữa kia. Đó chính là Phạm Thiên Lan, con gái của Điện tiền Chỉ huy sứ Phạm Trung, là cháu gái thân thích của Trang Hoàng Quý Thái phi của điện Trinh Minh kia.
Tách trà trên tay của Đức phi bỗng khựng lại, đôi mày của nàng khẽ nhíu lại đầy khó hiểu. Nàng đặt vội chén trà xuống rồi bẩm nói:
- Thưa… Thái hậu nói vậy nghĩa là sao ạ? Bản thân con vốn nông cạn và hạn hẹp, xin Người nói rõ cho con hay ạ.
Thái hậu bật cười rồi trả lời:
- Ta chưa nói xong. Con có biết rằng trước kia, khi Hoàng đế vẫn còn là Bà Chúa tứ. Bỗng nhiên những ngày xuất cung dạo chơi, vô tình gặp phải vị tiểu thơ họ Phạm kia mà đến si lòng. Ngày qua ngày, nó càng trốn cung để đi ra gặp vị tiểu thơ kia nhiều hơn. Việc này đến tai ta, ta vốn dĩ không ưa gì người của Phạm thị nên ta đã viết thư bắt nó hồi cung gấp. Thế nhưng, đứng trước mặt ta, nó bày tỏ rằng muốn xin cưới vị tiểu thơ kia về làm đích cơ. Ta nào đồng ý được, vậy nên ta đã ràng buộc cho nó với đứa cháu gái của ta, với ngươi và Huỳnh thị. Nhưng… nó vẫn ngày đêm mơ tưởng tới Phạm thị kia, tìm mọi cơ hội đưa nó vào cung mà không sợ ta phản đối, đó chính là lợi dụng lễ tuyển tú này đây.
Hồ thị sửng sốt vô cùng, phải cố kiềm nén lắm mới không để bộc lộ sự tức giận đang bùng lên trong người. Nén cơn tức trong người, nàng khẽ hỏi:
- Thưa bẩm Người, hôm nay Người muốn cho vời con vào đây là để nói cho con chuyện này… Vậy dụng ý của Người rằng phải tìm cách không được để cho con hồ ly tinh kia chạm đến Ngài đúng không ạ?
Thái hậu mỉm cười đầy hài lòng, nhìn về phía “quân cờ” mà Người đã dày công chọn và bồi dưỡng, trả lời:
- Con nói như vậy thật đúng ý của ta. Nhưng dù sao, khi Phạm thị kia nhập cung, chúng ta tốt nhất nên án binh bất động, không nên làm điều gì đụng đến cô ta cả. Một người mà Ngài ngày đêm nhớ thương, nay được tuyển vào cung, chắc hẳn sẽ rất khó cho chúng ta công khai đối đầu. Phải nên, tiếp cận cô ta trước, thân thuộc với cô ta rồi sau đó mọi thứ nương theo mưu kế của con. Điều này chắc không làm khó được con đâu phải không?
Nguyệt Ánh khẽ mím môi, đôi mày ấy vẫn đang nhíu lại đăm chiêu, suy nghĩ một hồi lâu.
Lát sau nàng khẽ chấp thuận ý của Thái hậu. Người thấy vậy liền cười hài lòng, thấy đã dặn dò xong xuôi, Người phủi tay lệnh cho Đức phi lui cung. Trên đường đi về, Đức phi trong lòng đầy rối bời đan xen tức giận. Tất cả là tại Phạm thị nên nàng bị Thiên Thánh lẫn Thái hậu xem như là thế thân của Thiên Lan, bởi lẽ nàng đã lén xem chân dung của nàng ta, phát hiện dung mạo bản thân giống đến năm, sáu phần. Những hôm Thiên Lan nhập cung, trông thấy nhan sắc của Phạm thị khiến cho nàng càng thêm ngỡ ngàng, bởi lẽ ngoài đời Thiên Lan đẹp muôn phần hơn trong tranh, khiến cho Hồ thị nghĩ bản thân nàng phải giống đến bảy, tám phần của Phạm thị.
Sau khi nghĩ lại về điều này, nàng siết chặt tay lại, cơn lửa bỗng phừng lên. Lưu Bảo trông thấy, nhưng không dám nói gì, chỉ biết đưa tách trà cho nàng uống cho bớt giận. Nhưng Nguyệt Ánh hất đổ chén trà xuống dưới đất vỡ choang, mảnh vỡ văng tứ tung, nước trà nóng lan ra trên nền đất. Thị Hiền trông thấy, hốt hoảng liền quỳ xuống, nói:
- Bẩm Lệnh Bà, con xin Lệnh Bà bớt giận ạ, kẻo ảnh hưởng đến ngọc thể của Bà ạ.
Rồi nó lo đi nhặt những mảnh vỡ dưới sàn, kẻo Nguyệt Ánh giậm phải là nguy to. Lưu Bảo đứng bên cũng chỉ biết cúi đầu im lặng, thị Nhung cũng thấy vậy thì liền quỳ xuống dọn phụ với thị Hiền. Nhưng Nguyệt Ánh phất tay, bảo Lưu Bảo mau về cung, hôm nay nàng thấy mệt nên cần nghỉ ngơi sớm. Lưu Bảo cúi đầu vâng lệnh, hành lễ vái chào rồi rời khỏi cung Thuận Hòa, tiến về đến cung Đoan Hòa .
Ngồi lên chiếc tràng kỷ, Nguyệt Ánh chống trán suy nghĩ, nói:
- Nói ta phải kết tình thân với con hồ ly tinh đó sao? Chỉ nghĩ đến nó thôi đã khiến ta cảm thấy khó chịu rồi. Mọi thứ ta có được, há đều chẳng phải là mang hình bóng của ả ta sao? Vậy ta khác gì là thế thân của ả?
Thị Hiền đứng bên cạnh, liền dẻo miệng nịnh bợ:
- Thưa Lệnh Bà, xin Lệnh Bà bớt giận. Xin cho con được nói đôi lời này. Chẳng phải bây giờ Bà chính là sủng phi bậc nhất của Ngài Ngự sao? Cô ta có thể là tân sủng nhưng nào có thể bì kịp cả người. Bây giờ cô ta chỉ là Tiệp dư bé nhỏ còn Bà chính là Đức phi cao cao tại thượng, cấp bậc vô cùng cách biệt rõ. Hơn nữa, cô ta có người cô là Trang Hoàng Quý Thái phi, nhưng chẳng phải Bà lại được Thái hậu yêu thương hơn sao? Ngoài ra, Bà còn có người chị và lão quan giữ những chức quan cao và quan trọng trong tiền triều, thậm chí còn cao hơn cả cha của cô ta. Bà còn sao có thể e sợ cô ta được? Nếu Bà cảm thấy cô ta đang đe dọa đến vị trí của mình thì chẳng phải là việc này không khó với Bà phải không?
Nguyệt Ánh đập bàn, liền khiến cho thị Hiền hoảng hốt mà quỳ xuống:
- Thưa Bà, là con đã cuồng ngôn, nói ra những lời trái phận, xin Lệnh Bà tha tội cho con.
Nhưng Nguyệt Ánh không tức giận về câu nói đó, nhưng xét đi tính lại thì đụng vào Thiên Lan cũng không phải chuyện gì dễ đối với nàng. Thị Hiền nói cũng không sai, nhưng nó vẫn chưa biết đến được Thiên Lan chính là người mà Ngài Ngự ngày đêm nhớ nhung, là người khiến cho Ngài trúng tiếng sét ái tình. Đụng vào nàng ấy thì có khác gì việc tự tay triệt đi đường lui của mình. Thái hậu có căn dặn rằng phải hết sức bình tĩnh khi kết tình chị em với nàng ấy rồi bất thình lình đâm sau lưng, để cho nàng ta bị rớt đài, mất đi thánh sủng, đến lúc đó ra tay mới là hợp lý. Việc này không khó nhưng cũng không phải dễ, cần phải đợi chờ thời cơ để ra tay.
Nguyệt Ánh liếc mắt qua thị Hiền đang cúi gằm xuống mà run sợ, nàng phất tay, bảo:
- Con mau đứng lên đi. Những lời vừa rồi của con nói không hề sai. Nhưng nếu để người ngoài nghe được thì sẽ cho rằng ta dạy dỗ cung nhân không tốt, để nói ra những lời xằng bậy. Nếu để những lời vừa rồi Ngài nghe được thì con thử nghĩ xem, Ngài có tức giận mà trừng phạt cả ta, còn liên lụy đến cả nhà ta không? Ngài sẽ cho rằng là ta đang tự mãn, kiêu căng không coi ai ra gì. Đến lúc đó cả Thái hậu cũng không thể cứu được ta. Chẳng phải ta đã dạy con rằng “Nếu biết một tức không biết gì, biết mười thì chỉ nên nói một” thôi sao?
- Dạ vâng kính thưa Bà. Con đã nhận ra lỗi sai và không dám tái phạm nữa đâu ạ. Vâng ơn Lệnh Bà đã dạy bảo. – thị Hiền run sợ, đương quỳ vẫn nói tiếp.
Hồ thị khẽ thở dài, bảo rằng nó đi châm trà, thay bình cũ đã nguội lạnh.
Thiên Lan, Tĩnh Quý nhân và Phùng Tuyên vinh cuối cùng cũng đã trở về Phúc Nguyệt cung. Thấy giờ đương hơi sớm, Tĩnh Quý nhân nhã ý mời hai nàng ca hát, thuê thùa chung vui. Dĩ nhiên hai nàng đồng ý. Trương Nhi ngay lập tức sai người đi chuẩn bị bộ dụng cụ khâu vá, nàng vừa bước đi vừa bảo rằng:
- Chốc lát nữa thôi sẽ có điều khiến cho các em phải kinh ngạc đấy.
- Là điều gì hở thưa chị? – Thiên Lan và Ngọc Dung đều hỏi.
Nhưng Ngọc Nhi nào trả lời ngay, nàng ấy bảo rằng cứ vào trong cái các phía Đông nàng hay ngồi rồi chốc lát nữa sẽ được thấy. Vào trong đình, chốc chốc thấy cung nhân bưng lên rất nhiều món điểm tâm kèm bình trà hoa nhài và không thể thiếu những bộ dụng cụ khâu vá. Cả hai nàng ngồi vào, nếm trước vài miếng bánh ngọt mềm tan rồi mới cầm những khúc vải rồi kim, chỉ tơ lên bắt đầu làm. Vừa làm vừa trò chuyện, hưởng chút không khí se dịu mùa thu. Vừa mới khâu được vài đường đã trông thấy có một hình bóng nào đấy đứng trước mặt cả ba nàng. Người ấy còn mang theo cả một chiếc đàn, vận một bộ trang phục thanh thoát và giản dị, cũng điểm trang đôi chút nhưng không khó để khiến Thiên Lan và Ngọc Dung bất ngờ. Đó chính là thị Huệ, thị tỳ thân cận của Trương Nhi. Lúc ánh mắt hai nàng nhìn sang Trương Nhi thì bắt gặp phải nụ cười của nàng ấy.
- Em thật không biết là thị Huệ còn biết chơi đàn tỳ bà và biết hát nữa đấy. – Thiên Lan bất giác thốt lên.
Tĩnh Quý nhân khẽ gật đầu rồi nói rằng thị Huệ trước đây là con gái của một thợ kép hát, nên từ nhỏ đã được cha mẹ dạy dỗ rất kỹ lưỡng, không chỉ về ca hát mà còn đánh đàn và chơi những loại nhạc cụ khác. Thị Huệ không chần chừ, liền bắt đầu ngồi vào ghế và bắt đầu đánh đàn, vừa đánh vừa ngân nga một ca khúc lạ nào đấy, nhưng cũng thật dễ chịu và du dương. Nhạc này không hề có trong những gì Thiên Lan đã nghe khi được đi coi những gánh hát cùng cha, ngay cả Ngọc Dung cũng cảm thấy thế. Khúc nhạc này tiết tấu nhẹ nhàng, bổng cao thanh thoát, rất dễ chịu cho cả ba người vừa trò chuyện vừa khâu vá, giọng hát của thị Huệ cũng thật hay, êm nhẹ mà trong đến thế. Khi thị Huệ kết thúc thì nó mới tiết lộ rằng đây là khúc nhạc do chính nó tự tay làm trước khi nhập cung, mong ước rằng có thể đàn cho cha mẹ được thấy. Thế nhưng…
- Đáng tiếc thay, cha mẹ con đã không may trúng phải một cơn bạo bệnh rồi qua đời. Khúc nhạc này cũng dần đi vào quên lãng và bị bỏ dỡ, cho đến năm trước, khi Lệnh Chị Quý nhân đây mới được Ngài Ngự ban tặng một chiếc đàn tỳ bà, Lệnh Chị biết con rất thích đàn nên đã đưa cho con đàn xem thử. Lúc này, ký ức khi xưa quay về, con nhớ lại khúc nhạc khi ấy và bắt đầu xướng lên lại. Lệnh Chi khi ấy hay tin thì vô cùng xúc động và cũng đã giúp con hoàn thành khúc nhạc này đấy ạ. – thị Huệ liền nói, rơm rớm nước mắt, điều đó làm cho Thiên Lan và Ngọc Dung thương vô cùng.