Những tia nắng nhợt nhạt của mùa thu đâm xuyên qua cửa sổ, rọi thẳng vào phòng ngủ của Kiển Minh hoàng đế, đồng thời nó cũng đánh thức chàng bật dậy, đạp tung chiếc mền dày làm từ da hổ, rồi sửa soạn, chuẩn bị cho buổi thiết triều hàng ngày.
Kiển Minh hoàng đế, đời vua thứ tám của Dương triều Mộc Lang Quốc, tên cúng cơm là Lâm Hạo, chàng mới mười lăm tuổi, ở ngôi đã được ba năm.
Mộc Lang Quốc do chàng trị vì là một vương quốc nhỏ nằm gọn bên bờ Đông Hải. Hành chính chia làm cửu châu, dưới châu là huyện, rồi làng xã. Diện tích mười vạn cây số vuông, nhân khẩu ước chừng hơn ba trăm vạn.
Không quá to lớn, vĩ đại nhưng cũng chẳng phải nhược tiểu, dân và quân Mộc Lang Quốc gan lỳ, khí phách luôn là chướng ngại, cái gai trong mắt với những đế quốc khổng lồ, là hung thần của các tộc man di, và những nước bán khai lân bang trong các cuộc mở cõi thấm ngập bằng máu và nước mắt.
Hai ngàn năm lịch sử của vương quốc này chỉ như cái chớp mắt so với từng thay đổi hàng trăm vạn năm của trái đất. Tuy nhiên, như vậy là đủ để Mộc Lang Quốc xây chắc chỗ đứng của mình trên vũ đài quyền lực thế giới.
Điện Chính Thiên là nơi ở và sinh hoạt của hoàng đế cùng hoàng tộc, nằm trên một ngọn đồi nhỏ ngay giữa thành Thiên An - kinh đô của vương quốc.
Vì mục đích phòng thủ, điện Chính Thiên được thiết kế như một lâu đài. Được bao quanh bởi bức tường đá cao ba mét, đắp thạch cao trắng bên ngoài, trên tường là các lỗ châu mai để gác súng trường hoặc cung nỏ bắn ra, ngay cổng chính là một ổ súng máy hạng nặng luôn sẵn sàng nhả đạn để quét sạch mọi kẻ dám xâm phạm tới long thể.
Đằng sau những bức tường đá bao quanh là một khoảng sân rộng, và vườn ngự uyển rộng tầm hai mẫu có cả hồ cá. Bên cạnh đó là tổ hợp những dãy nhà nhỏ gồm: nhà bếp, kho chứa đồ dùng phục vụ hoàng tộc, kho đạn dược dành cho cấm quân canh gác...
Và tất nhiên, trung tâm điện Chính Thiên, cũng là nơi sinh hoạt chính của hoàng đế là một tòa nhà sáu tầng, móng dựng chắc từ các khối đá tảng kết lại với nhau, xây bằng gỗ, sơn ngoài màu đỏ, trụ vững nhờ những cột và xà ngang ép từ những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nhìn từ ngoài vào không khác gì một khối chữ nhật dựng ngược cao hơn ba mươi mét, mái lợp ngói đen nghiêng đúng một góc bốn lăm độ. Thậm chí, những kiến trúc sư đại tài còn tỷ mỷ thiết kế hẳn một hệ thống lỗ và máng nước dưới mái, để khi mưa xuống hay lúc băng tan vào đầu xuân thì chúng sẽ dẫn nước xuống bể nước mưa dùng cho sinh hoạt.
Tầng trệt của tòa nhà, cũng là nơi được bày trí trang trọng nhất sẽ dành để thiết triều.
*****************************
Súc miệng bằng nước muối, Lâm Hạo chậm rãi cuốn bộ long bào vào thân thể nhỏ bé của chàng. Bộ long bào vàng nhạt làm từ lụa, thêu chín rồng với nền là những con sóng xanh xô vỡ bờ trong một ngày bão tố.
Chàng soi gương một lúc lâu để chỉnh chiếc vương miện bằng gấm, đính với bảy viên hồng ngọc.
Lâm Hạo bước xuống phòng ăn để dùng bữa sáng, nơi các nô tỳ đã dọn lên món canh gân hươu. Ngồi đợi sẵn ở đó là thái hậu Nghiêm Hi - mẹ ruột của chàng.
Thái hậu Nghiêm Hi đã gần tứ tuần, nhưng vẻ son sắc vẫn không đổi, trong bộ hán phục xanh nhạt bà duyên dáng như một thôn nữ mới đôi mươi.
Bà đã đăng cơ hoàng hậu từ thời tiên đế Kiển Trương - phụ thân của Lâm Hạo. Thành quả đó có được sau nhiều năm cung đấu khốc liệt, bà bịt miệng và thủ tiêu mọi kẻ ngáng đường không biết ghê tay, có kẻ nói rằng số người chết dưới tay thái hậu, nếu đem đi chôn thì sẽ lấp kín cả vườn ngự uyển, và Lâm Hạo chính là trái ngọt của bà sau những cố gắng ấy.
Vì lẽ đó, thái hậu bảo ban đám nô tỳ, dàn xếp mọi chuyện trong cung cấm ổn thỏa để con trai cưng của bà toàn tâm lo toan quốc sự. Do ấu đế còn nhỏ tuổi nên thái hậu cũng không quản ngại làm một chân nhiếp chính.
Ôm chầm lấy Lâm Hạo, thái hậu nhẹ nhàng thỏ thẻ vào tai:
"Hạo nhi của ta ngủ có ngon không?"
"Nhi thần ngủ ngon lắm ạ."- Lâm Hạo tỏ vẻ nũng nịu.
Thái hậu nở một nụ cười mãn nguyện, rồi khẽ đặt nụ hôn lên trán hoàng đế bé nhỏ của bà.
***********************************
Khi mặt trời đã ló dạng qua rặng núi Bình Sơn ở góc đông kinh đô, cũng là lúc cấm quân của triều đình bắt đầu lễ thượng cờ.
Một tốp mười binh lính cấm quân trong quân phục đen tuyền, đội mũ kê- pi, đi bốt cao tới ống quyển, vác trên vai súng trường với lưỡi lê bóng loáng, chậm rãi bước đều theo điều lệnh tới cột cờ nằm trên mỏm đá trước cổng chính.
Lá quốc kỳ chữ nhật, nền vàng với mặt trời đỏ ở giữa của Mộc Lang Quốc được kéo lên, phe phẩy, tung bay trong những cơn gió bấc ùa về.
Rồi một tiếng tù và ngân dài báo hiệu giờ thiết triều đã tới.
Lâm Hạo ngự lên ngai vàng đúc bằng đồng thau, còn thái hậu ngồi ở ghế phụ bên phải.
Sau màn chào hỏi cung kính, vạn tuế như mọi hôm, các đại thần và quan thượng thư dự triều đều tỏ rõ vẻ lo lắng. Vì khác với vẻ hào nhoáng ở điện Chính Thiên, vương quốc của Kiển Minh hoàng đế đang trên bờ sụp đổ.
Công bộ thượng thư, Từ Viễn, đứng lên tâu:
"Tâu bệ hạ, như thần đã nói suốt nhiều ngày qua, đế quốc Brittany đã đem hạm đội của chúng phong tỏa hàng hải được nửa năm nay, thương nghiệp đình trệ. Các nước lân bang do Brittany giật dây cũng đã đóng cửa biên giới, không thể thông thương được nữa."
Viễn cảnh càng thêm u ám khi Hộ bộ thượng thư lên tiếng:
"Tâu bệ hạ, suốt nhiều tháng nay, đám nông dân dưới sự xúi giục của bọn tư sản đã không còn nộp thuế má về cho triều đình nữa, thần e bọn chúng đang rắp tâm làm loạn."
Bầu khí triều hội rơi vào im lặng, sự im lặng của bất lực và tuyệt vọng, cho tới khi hoàng đế mở lời:
"Thừa tướng, khanh có cao kiến gì không?".
Thừa tướng Doãn Nghi, đã gần thất thập, co rúm trong bộ quan phục chậm rãi nói:
"Như thần đã tâu từ hôm qua và được bệ hạ chuẩn tấu, thì hôm nay sẽ có đại diện của bên Britanny tới dự triều, ba mặt một lời với quân thần chúng ta để tỏ rõ yêu sách của họ."
***********************
Không khí im lặng bao trùm thêm một lần nữa cho tới khi đại diện của Britanny tới.
Đó là thống chế Richard Langley, tư lệnh tập đoàn quân viễn chinh số một Britanny. Ngài thống chế nghênh ngang bước vào chính điện trong bộ quân phục xanh đậm, ngực vai nặng trĩu những mề đay và huân chương chiến công. Quả đầu hói, hốc mắt sâu, cặp ria kẽm càng tăng thêm vẻ bệ vệ của ngài.
Buổi gặp mặt của thống chế với triều đình Mộc Lang Quốc đã được phía Britanny khéo léo dàn dựng như một dịp thị uy sức mạnh công khai. Khi các pháo hạm liên tục nã chỉ thiên, còn máy bay từ các phi đội tiềm kích được lệnh đảo quanh vùng trời của kinh đô!